Success is the ability to go from one failure to another with no loss of enthusiasm. Thành công là khả năng đi từ thất bại này đến thất bại khác mà không mất đi nhiệt huyết (Winston Churchill ). Khi người giàu ăn cắp, người ta bảo anh ta nhầm lẫn, khi người nghèo ăn cắp, người ta bảo anh ta ăn cắp. Tục ngữ IRan. Tiền thì có nghĩa lý gì nếu nó không thể mua hạnh phúc? Agatha Christie. Lý tưởng của đời tôi là làm những việc rất nhỏ mọn với một trái tim thật rộng lớn. Maggy. Tính ghen ghét làm mất đi sức mạnh của con người. Tục ngữ Nga. Men are born to succeed, not to fail. Con người sinh ra để thành công, không phải để thất bại. Henry David Thoreau. Thomas Paine đã viết: Bất lương không phải là TIN hay KHÔNG TIN. Mà bất lương là khi xác nhận rằng mình tin vào một việc mà thực sự mình không tin .

Thứ Hai, 4 tháng 11, 2013

Những Tòa Hình Án Xử Dị Giáo (The Inquisition)



Trong thiên niên kỷ thứ nhất của giáo hội Công giáo, sự giết chóc những người lạc đạo tương đối hiếm. Năm 385 tại Trier, Đức quốc, các giám mục lên án tử hình Priscillian và những người theo Priscillian vì tội nghi ngờ thuyết Thiên Chúa Ba Ngôi và sự sống lại của Giê-su (Bishops put to death Priscillian and his followers for doubting the Trinity and the Resurrection). Năm 415, tại Alexandria, Nữ khoa học gia danh tiếng Hypatia, giám đốc thư viện Alexandria, bị các linh mục và các đệ tử của thánh Cyril đánh chết vì những tư tưởng khoa học của Hypatia không phù hợp với Thánh Kinh, tương tự như trường hợp của giáo hội Công giáo đối với Galilei sau này. Tại Constantinople vào khoảng năm 550, Hoàng đế Công giáo Justinian giết rất nhiều người vì không theo đúng giáo lý Công giáo để áp đặt giáo lý chính thống Công giáo trên quần chúng.
Sang thiên niên kỷ thứ hai, Hoàng đế Công giáo Robert the Pious thiêu sống 13 người “lạc đạo” ở Orleans năm 1022. Năm 1051, trong cộng đồng Công giáo ở Goslar, Đức quốc, một số người vì một niềm tin nào đó, không chịu giết gà (unwilling to kill chickens), bị kết tội “lạc đạo” và bị treo cổ (hanged). Năm 1141, linh mục Peter Alebard bị lên án phải tù chung thân vì ông ta đã liệt kê những mâu thuẫn của giáo hội Công giáo trong cuốn sách nhan đề “Yes and No”.
Giáo hội Công giáo cũng còn giết nhiều tín đồ Ki Tô khác không theo đúng giáo luật của Công giáo. Thí dụ trường hợp Peter Waldo ở Lyon, một tín đồ Công giáo thường dân giảng đạo ngoài đường phố. Giáo hội Công giáo ra luật chỉ có linh mục mới có quyền giảng đạo. Do đó những người theo Waldo, Waldensians, đều bị coi như là lạc đạo và bị tuyệt thông, và trong cuộc Thập Ác Chinh Albigense, những người này cũng bị tàn sát hoặc thiêu sống trong vùng Savoy, Pháp quốc. Một trường hợp khác là nhà thần học Pháp Almaric. Ông này rao giảng là mọi người đều có khả năng trở nên thần thánh (all people are potentially divine), và những lễ tiết trong giáo hội là không cần thiết (church rites aren’t needed). Sau khi ông ta chết, xác ông ta bị khai quật lên và đem đi thiêu, những người theo ông bị thiêu sống (After his death, his followers were burned alive as heretics, and his body was dug up and burned).
Nhiều nhóm “lạc đạo” khác cũng bị Công giáo tiêu diệt. Giáo hoàng và các Thánh trong Công giáo chủ trương giết người lạc đạo. Họ viện dẫn Cựu Ước để biện minh cho các cuộc tàn sát vì Cựu Ước dạy rằng: Kẻ nào phỉ báng tên Chúa đều phải bị giết (He who blasphemes the name of the Lord shall be put to death). Thánh Thomas Aquinas tuyên bố: “Nếu những kẻ bất lương đáng tội chết, thì những kẻ lạc đạo còn đáng bị giết hơn nữa” (St. Thomas Aquinas declared: “If malefactors are justly doomed to death, much more may heretics be justly slain.”)
Nghiên cứu về các Tòa Hình Án Xử Dị Giáo, tất cả các nhà nghiên cứu đều đồng ý, đó là một trong nhiều vết nhơ không sao gột sạch trong lịch sử Giáo hội Công giáo, tuy rằng có vài nhà Thần học Công giáo đã đưa ra vài lý luận để bào chữa cho những hành động tàn bạo của Giáo hội, thí dụ như, đó là hành động của những người cuồng nhiệt tôn giáo, tin rằng mình đã làm theo ý Chúa, hoặc các Tòa Hình Án Xử Dị Giáo chỉ có mục đích cứu vớt linh hồn những người lạc đạo, lẽ dĩ nhiên, cứu vớt bằng cách tra tấn và thiêu sống họ.
Những lời bào chữa như trên chỉ có mục đích lạc dẫn đám tín đồ kém hiểu biết, vì các chuyên gia nghiên cứu về lịch sử tôn giáo đã chứng minh rằng, sự thiết lập các Tòa Hình Án Xử Dị Giáo giáo bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân thế tục như: bảo vệ cấu trúc quyền lực độc tài của chế độ giáo hoàng, vơ vét của cải, tài nguyên v...v...
Thật vậy, trong cuốn Những Tòa Hình Án Xử Dị Giáo Tây Ba Nha (The Spanish Inquisition, Barnes & Nobles Books, New York, 1994, p.18) Jean Plaidy viết như sau:
"Đó là lời bào chữa nghe có vẻ hợp lý, nhưng chúng ta phải nhớ rằng, chính sự sợ hãi những người dị giáo đã đưa đến sự thiết lập những tòa hình án xử dị giáo; và những nạn nhân phần lớn là những người giầu có, của cải của họ rất đáng để tịch thu, còn số ít là những người nghèo không có của cải." 1
Nhưng tại sao Giáo hội Công giáo lại sợ những người dị giáo? Lý do chính là để bảo vệ quyền lực của Giáo hội trước những tư tưởng khai phóng, khao khát tự do của những người mà Giáo hội gọi là "lạc đạo". Quyền lực của Giáo hội nằm trong những giáo điều mà giáo hội đưa ra để nắm giữ cả phần hồn lẫn phần xác của đám tín đồ kém hiểu biết. Nếu những giáo điều này trở thành phi lý trước những tư tưởng khai phóng, tự do v..v.. thì giáo hội sẽ mất đi quyền lực. Gần đây, tuy sợ hãi trước sự bành trướng một cách hòa bình của Phật Giáo và Hồi Giáo trên khắp thế giới, nhưng vì Giáo hội Công giáo không còn quyền lực của thời Trung Cổ ở Âu Châu để tra tấn và thiêu sống những người "dị giáo" nữa, nên Giáo Hoàng John Paul II đã viết cuốn Bước Qua ngưỡng Cửa Hi Vọng trong đó Giáo hoàng xuyên tạc và hạ thấp Phật Giáo cũng như vài tôn giáo khác. Hành động này đã bị cả thế giới (trừ đám tín đồ có đầu óc thời Trung Cổ) lên án và đại diện của Tòa Thánh đã phải xin lỗi Phật Giáo. Nhưng hành động này cũng chứng tỏ một sự sợ hãi và thiếu tự tin của Giáo hội Công giáo La Mã, không còn khả năng thuyết phục nhân loại bằng những giáo lý hoang đường, nên phải dùng đến hạ sách là xuyên tạc và hạ thấp các tôn giáo khác. Những ngôn từ thiếu văn hóa của John Paul II phê bình các nhà truyền giáo Tin Lành ở Nam Mỹ là "Những con chó sói đói mồi" và của Hồng Y Ratzinger, nay đã là Giáo hoàng, nguyên là phụ tá thân cận nhất của John Paul II và là người đứng đầu Cơ Quan Truyền Bá Đức Tin, biến thể của Cơ Quan Chỉ Đạo các Tòa Hình Án xử dị giáo, cũng phê bình Phật Giáo là một tôn giáo thuộc loại Tự Thỏa Dâm (Auto Eroticism), chứng tỏ sự sợ hãi nói trên nhưng cũng đồng thời cho chúng ta thấy thực chất vô đạo đức tôn giáo của những người cầm đầu Giáo Hội Công giáo La Mã ngày nay. Buồn thay, những người Công giáo Việt Nam vẫn gọi những kẻ vô đạo đức tôn giáo như trên là “Đức Thánh Cha”.
Sự sợ hãi những tư tưởng khai phóng của Giáo hội Công giáo được học giả Công giáo Joseph D. Daleiden phân tích như sau trong cuốn Sự Mê Tín Cuối Cùng: Một Sự Định Giá Phê Bình Về Di Sản Do Thái-Ki Tô (The Final Superstition, A Critical Evaluation of the Judeo-Christian Legacy, Prometheus Books, 1994), trg. 61:
"Với sự tăng trưởng về kiến thức và về ý thức phán đoán, lòng khao khát có thêm tự do là điều không thể tránh được. Cả hai chế độ Giáo Hoàng và chế độ quân chủ ở Âu Châu đều nhận biết sự đe dọa trầm trọng này. Cho nên chúng ta không lạ gì khi hai chế độ trên đã mở một cuộc chiến toàn diện để tiêu diệt những người tranh đấu cho sự giải phóng nhân loại ra khỏi những sự cùm kẹp song sinh của Vua chúa và Giáo hoàng. Đó là mục đích thực sự của những tòa hình án xử dị giáo." 2
Trên đây chỉ là vài nét đại cương về nguyên nhân thiết lập các Tòa Hình Án Xử Dị Giáo của Giáo hội Công giáo La Mã. Thực chất của những Tòa Hình Án Xử Dị Giáo này ra sao, chúng ta hãy nghe lời mô tả của một nhà Thần học Ki Tô Giáo, Mục sư Ernie Bringas, trong cuốn Theo Đúng Sách Viết: Những Thảm Họa Trong Quá Khứ Và Hiện Tại Bởi Quyền Lực Thánh Kinh (Going By The Book: Past and Present Tragedies of Biblical Authority, Hampton Roads Pub. Co., 1996), trg 37, và đây chỉ là một phần nhỏ sự thực về bản chất của những tòa hình án xử dị giáo:
"Những người bị kết án là dị giáo trước hết bị bắt giữ và cô lập với thế giới bên ngoài. Họ được coi là có tội ngay từ lúc khởi đầu, và bắt các tội nhân thú nhận tội lỗi được coi như là nhiệm vụ mà Thượng đế trao cho phán quan. Người ta tin rằng, chỉ có cách này linh hồn bị cáo mới được cứu vớt khỏi nanh vuốt của quỷ. Bị cáo phải dựa vào chính khả năng của mình, không được phép có luật sư biện hộ.
Ngược lại, cơ quan truy tố được phép đưa ra bất cứ số nhân chứng nào, gồm cả thân nhân của bị cáo.  Những lời chứng và nghe đồn của ngay cả những nhân chứng không đáng tin cậy nhất, gồm cả trẻ con, đều được nhận như là những bằng chứng xác định sự phạm tội. Bị cáo không được phép chất vấn các nhân chứng hoặc cũng không biết họ là ai. Tuy nhiên, bị cáo được quyền tự biện.
Không lấy gì làm ngạc nhiên, tra tấn là phương pháp nhanh nhất và hữu hiệu nhất để ép nạn nhân thú tội. Mới đầu, bị cáo được kéo vào phòng tra tấn và chỉ cho xem những hình cụ dùng để tra tấn. Nếu họ không nhận cái tội mà người ta gán cho họ, họ sẽ bị tra tấn từ từ với cường độ tra tấn tăng dần. Những phiên tra tấn này thường kéo dài từ hai tới bốn tiếng đồng hồ, thân thể các nạn nhân bị xâm phạm và phá hủy.
Thường thì những hình cụ tra tấn dùng trong các cuộc tra hỏi này trước hết được rảy nước Thánh (nước đã được một linh mục làm phúc). Trong những hình cụ tra tấn có:

CÁI KẸP NGÓN TAY. Ngón tay của bị cáo bị đặt trong cái kẹp có đinh vít. Đinh vít được quay để kẹp chặt ngón tay dần dần cho tới khi máu phọt ra và xương ngón tay bị nghiền nát.
ĐÔI ỦNG SẮT. Cái hình cụ hữu hiệu này dùng để nghiền nát xương ống chân.
CÁI GIÁ CĂNG. Nạn nhân bị căng trên một khung hình tam giác, chân tay bị buộc chặt để không cử động được. Cổ tay và cổ chân bị cột vào một cái đinh vít căng. Khi vặn đinh vít, chân tay nạn nhân bị căng ra một cách vô cùng đau đớn cho tới khi cổ tay và cổ chân bị kéo ra khỏi những khớp xương tương ứng.
(Mục sư Bringas còn tả thêm 2 hình cụ tra tấn nữa nhưng vì quá độc ác nên tôi không muốn dịch. Hai hình cụ đó là: CÁI GIÁ CĂNG THẲNG ĐỨNG (The Vertical Rack) và HÌNH CỤ TRA TẤN BẰNG NƯỚC (Water Torture). Tuy nhiên, trong phần trích dẫn bằng tiếng Anh ở cuối bài tôi xin để nguyên lời mô tả những hình cụ này để độc giả tham khảo. TCN).
...Những phương pháp độc ác và tàn nhẫn dùng để trừng phạt những người bị kết án là dị giáo chứng tỏ chiều sâu của sự rồ dại và lạc dẫn sự say mê tôn giáo gây ra bởi những người tự cho là làm theo ý Chúa."  3
Chúng ta nên để ý rằng, trên đây nhà Thần học Ki Tô Ernie Bringas chỉ mô tả 5 hình cụ thường dùng để tra tấn những người dị giáo trong số hơn 40 hình cụ, được phát minh bởi những người con Chúa thường được rao giảng là Chúa dạy phải thương yêu kẻ thù, trong đó có những hình cụ tra tấn một cách tàn ác và dã man hơn những hình cụ mô tả ở trên. Độc giả nào tò mò muốn thấy tận mắt một số những hình cụ này thì tôi xin mời họ hãy đến thăm một bảo tàng viện có tên là "Medieval Dungeon" ở trên đường Jefferson, khu Fisherman Warf, thành phố San Francisco, Cali. Trong bảo tàng viện này có trưng bày hơn 40 hình cụ mà các tòa hình án dùng để tra tấn những người bị tố cáo là dị giáo. Ở ngoài cửa bảo tàng viện có đề:
"Trưng bày hơn 40 hình cụ man rợ để tra tấn và hủy diệt con người trong thời đại Trung Cổ ở Âu Châu. Đằng sau những cánh cửa này là sự khủng khiếp thực sự của thời đại Trung Cổ ở Âu Châu. Những ngày đen tối nhất của cái quá khứ nhơ nhớp của họ." (More than 40 barbaric exhibitions of torture and annhiliation from European Medieval days. Beyond these doors lies the true horror of the European Medieval days. The darkest days of its sordid past.)
Ngoài ra, Linh Mục Joseph Dunn cũng viết trong cuốn Đám Tín Đồ Công giáo Chúng Tôi (The Rest of Us Catholics, Templegate Publishers, 1994), trg. 184, như sau:
"Có một cuộc triển lãm thường xuyên những hình cụ tra tấn tại Amsterdam - Đã một lần tôi đặc biệt tới xem cuộc triển lãm này. Tôi nghĩ rằng mọi cá nhân mới tuyển mộ cho Cơ Quan Truyền Bá Đức Tin (hay Văn Phòng Thánh, Holy Office, Nguyên là cơ quan chỉ đạo các tòa hình án. TCN) của Hồng Y Ratzinger đều phải đến xem cuộc triển lãm này và viết một bài nghiên cứu về nó.
Đây là những hình cụ tra tấn của những tòa hình án xử dị giáo mà Văn Phòng Thánh là cơ quan thừa kế.  Có những hình cụ nghiền nát đầu, nghiền nát ngón tay, giá thang để căng người, phanh ngực, chẻ đầu gối, hình cụ giống quả lê và làm nó nở ra dần dần sau khi đâm vào miệng, hậu môn, âm hộ, khuôn người bằng sắt, những cái chĩa dành cho dị giáo, và những con nhện Tây Ba Nha - kèm theo những bản khắc và tài liệu chỉ cách những hình cụ này đã được xử dụng như thế nào."  4
Đọc về những tòa hình án xử dị giáo tôi không tài nào hiểu nổi những hành động dã man, tồi tệ, và phản lại chính tín ngưỡng của mình, của những tín đồ Công giáo. Thí dụ: một trong những hình cụ tra tấn được tìm thấy trong nhà tù của Tòa Án Xử Dị Giáo tại vùng Toledo có một bức tượng giống hình Mary Đồng Trinh. Phía trước có nhiều đinh và dao sắc. Những đòn bẩy được vận dụng để cho hai tay bức tượng xiết chặt nạn nhân dần dần trong khi những đinh và dao sắc xuyên qua thân thể. (Plaidy., 143: One of the instruments of torture, which was discovered in the prison of the Inquisition in Toledo by the invading French, was a statue built to resemble the Virgin Mary. The front of the statue was covered with sharp nails and knives. Levers were pulled, and the arms of the statue would embrace its victim who would be crushed tighter and tighter, while the knives and nails pierced the naked flesh.). Trong cuốn “Unzipped: The Popes Bare All”, Tiến sĩ Arthur Frederick Ide mô tả hình cụ tra tấn mang hình Mary như sau, trang 45, theo tài liệu của Linh Mục Joseph McCabe trong cuốn Lịch Sử Tra Tấn (Austin, 1980): “Một con đường đi thẳng tới Jesus hơn [để hiệp thông với Chúa] có thể kiếm thấy trong hình cụ “Bà Đồng Trinh Bằng Sắt” của những Tòa Hình Án Xử Dị Giáo. Bà ta khoác một bộ áo choàng bằng gỗ và sắt, khi mở ra thì có những hàng mũi nhọn trông như những răng của cái bừa, dài khoảng 20cm. Nạn nhân đứng trên một cánh cửa ở trên một hố nước sâu, khi hai cánh của hình cụ mở ra và các mũi nhọn rút ra khỏi thân người thì cái xác sẽ rơi xuống nước ở hố sâu. NHững mũi nhọn được xếp đặt cẩn thận để sao cho hai cái xuyên vào hai mắt nạn nhân, những cái khác thì xuyên qua ngực và bụng.” (A more direct route to Jesus was found in the “Iron Virgin” of the Inquisition. She wore a cloak of wood and iron which when opened revealed an interior lined with spikes shaped like harrow teeth.. The figure stood above a trapdoor opening into a moat so that when the doors were opened and the spikes pulled out of the corpse, it would drop into the water below. The spikes were carefully placed so that two of them would enter the eyes, others into the chest, and still others into the abdomen.)
Trong một số sách đã xuất bản, chúng ta cũng có thể thấy những hình ảnh của những hình cụ tra tấn này, kèm theo lời mô tả cách tra tấn.. Độc giả có thể đọc vài cuốn điển hình, thí dụ như cuốn Những Tòa Hình Án Tây-Ban-Nha (The Spanish Inquisition) của Jean Plaidy, hoặc cuốn Vạch Trần Các Giáo Hoàng: Một Khảo Cứu Bộc trực về Vấn Đề Tình Dục và Đồi Bại Trong Vatican (Unzipped: The Popes Bare All, A Frank Study of Sex & Corruption in the Vatican) của Arthur Frederick Ide, và nhất là tập sử nổi tiếng Lịch Sử Những Tòa Hình Án Trong Thời Trung Cổ (The History of the Inquisition in the Middle Ages) của Henry Charles Lea, nếu muốn biết nhiều hơn về những sự dã man tàn bạo của Giáo hội Công giáo La Mã.
Sau đây chúng ta hãy đọc vài tài liệu mô tả phần nào chi tiết về những hành động man rợ, độc ác không thể tưởng tượng được của các con cái Chúa. Đầu tiên là tài liệu trong cuốn "Các Đại Diện của Chúa KiTô: Mặt Đen Tối Của Triều Chính Giáo Hoàng (Vicars of Christ: The Dark Side of the Papacy,Crown Publishers, 1988, trg. 162-166) của Giám Mục Công giáo Peter de Rosa:
"Khủng bố thực sự bắt đầu với Gregory IX, lên ngôi giáo hoàng năm 1227. 
Hai năm sau, tại Công Đồng Toulouse ở Languedoc, Gregory ra sắc lệnh giải giao những người "dị giáo" cho chính quyền dân sự trừng phạt. Ông nói: "Bổn phận của mọi tín đồ GiaTô là phải truy tố những kẻ dị giáo".
Năm 1232 giáo hoàng đã đi đến một quyết định: Ông ra chiếu chỉ thành lập Tòa Án xử Dị Giáo. Những Giám mục thì quá lơ là, thực ra là, họ thiếu thì giờ và khả năng để hoàn thành công việc một cách chu đáo. Những người dị giáo, nghĩa là những người chống bất cứ lời tuyên bố nào của giáo hoàng, đều phải giải giao cho chính quyền dân sự thiêu sống (sau khi bị Tòa Hình Án tra tấn, thẩm vấn và kết tội; TCN). Nếu họ sám hối họ sẽ bị tù chung thân. Chưa có giáo hoàng nào dương lên ngọn đuốc khủng bố với sự thích thú hơn.
Tháng 4, 1233, giáo hoàng chỉ chọn những quan tòa hình án trong dòng Đa Minh (Dominic) và chẳng bao lâu các linh mục dòng này vinh dự được sự chọn lựa đó. Ngày 27 tháng 7, 1233, là ngày giáo hoàng phê chuẩn bằng bút đỏ: hai phán quan của tòa hình án làm việc toàn thời gian được bổ nhiệm - Peter Seila và Wìliam Arnald. Hai ông này là hai người đầu tiên của một đoàn dài những công tố viên của nhân loại, làm việc một cách thanh thản và không hề thắc mắc. Khi bức màn hình án được kéo lên, năm 1239, 2 năm trước khi Gregory chết, linh mục dòng Đa Minh Robert le Bougre đi tới Champagne để điều tra một giám mục tên là Moranis. Ông giám mục này bị kết tội là để cho những người dị giáo sống và lan ra trong giáo phận của mình. Ngày 29 tháng 5, le Bougre đưa 180 người, kể cả ông giám mục, lên giàn hỏa thiêu sống.
Đây là sự trở lại thời man rợ.
Lịch sử không ủng hộ quan điểm cho rằng giáo hội Công giáo luôn luôn đứng đầu về vấn đề nhân quyền. Trong thế kỷ 13, giáo hội vẫn còn đưa ra giáo điều như thuở ban đầu: dị giáo không có một nhân quyền nào. Họ có thể bị tra tấn không chút đắn đo, ngại ngùng. Giống như những kẻ phản bội quốc gia, họ tự đặt mình ra ngoài sự thương xót của luật pháp. Họ phải chết.
Trải qua 3 thế kỷ không có một giáo hoàng nào chống đối cái giáo điều man rợ trên. Do đó, giáo điều này đã trở thành một phần thường trực trong giáo lý Công giáo. Dựa vào đó, quyền năng của tòa hình án đã lên tới mức chưa từng thấy. Kết quả là sự đàn áp toàn diện những người không hề có được một sự bảo vệ nào trước những sự buộc tội hoặc chỉ bị nghi ngờ là dị giáo.
Tòa hình án được phép làm bất điều gì. Những phán quan của tòa hình án dòng Đa Minh, được giáo hoàng bổ nhiệm, họ không ở dưới quyền bất cứ một ai ngoài Thượng đế và giáo hoàng. Họ đứng ngoài vòng xét xử của các giám mục và luật dân sự. Trong những quốc gia thuộc quyền giáo hoàng họ chính là luật lệ, vừa đóng vai công tố viên vừa đóng vai quan tòa xử án. Nguyên lý chỉ đạo của họ là: "Thà giết oan 100 người vô tội còn hơn là để cho một kẻ dị giáo được tự do."
Họ hoạt động một cách độc đoán và trong vòng bí mật. Bất cứ người nào hiện diện trong cuộc tra hỏi - nạn nhân, thư ký, người tra tấn - mà tiết lộ thì sẽ bị lên án mà chỉ có giáo hoàng mới có thể tha cho. Những quan tòa hình án, giống như giáo hoàng, được hiểu rằng không thể phạm một lỗi lầm nào và không thể làm sai...
Tra tấn được dùng thả dàn. Mới một trăm năm trước đây, người ta trưng bầy trong cái nhà ở góc đường của giáo hoàng cuốn Sổ Đen dùng làm chỉ đạo cho những quan tòa hình án. Cuốn sổ có đánh số trang này thuộc trách nhiệm của Phán Quan Trưởng Tòa hình án. Cái tên phổ thông của nó là Cuốn Sổ của Thần Chết. Sau đây là một phần được trích dẫn từ đó:
"Hoặc bị cáo thú tội và như vậy là có tội theo sự thú tội của chính hắn, hoặc hắn không thú tội nhưng vẫn là có tội dựa theo chứng cớ của các nhân chứng. Nếu một người nhận tất các tội đã gán cho hắn, đương nhiên hắn hoàn toàn có tội; nhưng nếu hắn chỉ thú có một phần các tội trạng, hắn vẫn phải bị coi như là phạm tất cả các tội, vì phần mà hắn đã thú tội chứng tỏ rằng hắn có khả năng phạm tất cả các điểm khác trong bản cáo trạng...
Sự tra tấn thân xác đã chứng tỏ đó là phương cách có ích và hữu hiệu đưa tới sự sám hối tinh thần. Cho nên, sự chọn lựa một hình cụ tra tấn thích hợp nhất là trách nhiệm của quan tòa hình án, ông ta sẽ quyết định dựa trên tuổi tác, phái nam hay nữ, và sự cường tráng thân thể của tội nhân. Nếu, trong trường hợp đã dùng đủ mọi cách mà con người xấu số kia vẫn không chịu nhận tội, phải coi hắn như là một nạn nhân của quỷ; và, như vậy, không được hưởng sự thương xót từ các kẻ tôi tớ của Thượng đế (các linh mục xử án), hoặc sự thương hại hay khoan hồng nào của giáo hội Mẹ Thánh thiện. Hắn là đứa con của sự đày đọa. Hãy để cho hắn chết rục cùng với những kẻ đã bị đày đọa vĩnh viễn xuống hỏa ngục."
Thật khó mà có thể kiếm được một văn kiện nào mà trái với những nguyên tắc công lý tự nhiên như vậy. Theo cuốn Sổ Đen, một đứa con phải phản bội cha mẹ, một bà mẹ phải phản bội đứa con. Không làm như vậy là một "tội lỗi đối với Tòa Án Thánh" và đáng bị tuyệt thông, nghĩa là, không được hưởng các bí tích và, nếu không có tu chính án, không được lên thiên đàng.
Những ông Tòa hình án chưa bao giờ thua một vụ nào. Sử liệu cho thấy không có một vụ phán quyết nào được xem là vô tội. Ngay cả trong trường hợp rất hiếm mà phán quyết của tòa hình án là Không Đủ Bằng Cớ, thì cũng không ai được công nhận là vô tội. Nếu bị cáo thực sự không có tội dị giáo cũng không thành vấn đề. Các ông tòa hình án tin rằng may ra chỉ có một trong trăm ngàn linh hồn thoát được sự đọa đày mà thôi."  5
Trên đây, Peter de Rosa chỉ nói là các quan án đạo, thường là linh mục, được quyền tra tấn thả dàn, nhưng không mô tả những cảnh tra tấn đó như thế nào. Chúng ta có thể thấy thêm một chút ánh sáng về khía cạnh này qua một đoạn trong cuốn Những Sự Khủng Khiếp Mang Nhãn Hiệu Thánh, Một Lịch Sử Minh Họa Về Sự Điên Rồ Sát Nhân Tôn Giáo (Holy Horrors, An Illustrated History of Religious Murder and Madness, Prometheus Books, 1990) của James A. Haught, trang 61-68. Tôi thành thực khuyên những người yếu tim không nên đọc đoạn mô tả những cách tra tấn này của giáo hội Công giáo thánh thiện:
Những nỗ lực để tiêu diệt những kẻ lạc đạo đã đưa đến sự thành lập những Tòa Án Xử Dị Giáo Mang Nhãn Hiệu Thánh (Holy Inquisition), một trong những hành động khủng khiếp siêu việt của nhân loại. Vào đầu thế kỷ 13, các giám mục địa phương được quyền kiếm ra, xử án và trừng phạt những kẻ lạc đạo. Khi các giám mục không tỏ ra là hữu hiệu cho lắm, các quan án đạo của giáo hoàng, thường là các linh mục dòng Đa Minh (Dominician), được phái từ La Mã đi khắp nơi để thực hiện cuộc tẩy trừ.
Năm 1252, Giáo hoàng Innocent IV cho phép tra tấn, và những phòng xử án đạo trở thành những nơi khủng bố. Những người bị tố cáo là lạc đạo bị bắt và giam trong phòng tối, không được phép có gia đình vào thăm, không được quyền biết tên những người đã tố cáo họ. Nếu họ không nhận tội ngay, những cảnh độc ác không thể thốt lên lời bắt đầu xẩy ra. Nhà sử học Thụy Sĩ Walter Nigg kể lại:
“Cái kẹp ngón tay thường là hình cụ được xử dụng đầu tiên: Các ngón tay bị kẹp giữa những cái kẹp và rồi được vặn xiết lại cho đến khi các ngón tay bị tóe máu ra và cương bị nghiền nát. Kẻ bị tố cáo có thể bị đặt ngồi trên một chiếc ghế sắt mà mặt ghế là những đinh sắt nhọn chổng lên và các đinh này có thể được nung nóng đỏ lên từ phía dưới. Có hình cụ được gọi là đôi ủng (boots) dùng để nghiền nát xương ống chân. Một hình cụ tra tấn khác được ưa dùng là làm trật các khớp xương của kẻ lạc đạo trên những giá căng, hay là buộc chân tay, đeo đá nặng vào người, rồi dùng bánh xe quay, kéo lên hạ xuống. Để cho những kẻ tra tấn khỏi bị phiền vì những tiếng kêu la, nạn nhân thường bị nhét giẻ vào miệng. Những cuộc tra tấn kéo dài 3, 4 tiếng đồng hồ là thường. Trong những cuộc tra tấn, các hình cụ thường được rẩy nước thánh.”
Những nạn nhân không chỉ bắt buộc phải nhận tội mình là kẻ lạc đạo, mà còn phải tố cáo vợ con, bạn hữu của mình cũng lạc đạo như mình, do đó những người này cũng phải trải qua cùng một cảnh như mình. Những người ít tội là những người nhận tội ngay và chịu hình phạt nhẹ hơn. Những người tội nặng hơn mà sám hối thì sẽ bị tù chung thân và tài sản bị tịch thu. Những kẻ cứng đầu hơn được mang đi thiêu sống trong một cuộc lễ diễn hành được gọi là “auto-da fé” (hành động của đức tin). Một sắc lệnh của Giáo hoàng năm 1231 quy định thiêu sống là hình phạt tiêu chuẩn. Sự hành hình được thi hành bởi các viên chức dân sự, không phải là linh mục, để bảo tồn sự thánh thiện của giáo hội [Trong các cuộc thiêu sống, các linh mục thường đứng giơ cây thập ác trước mặt nạn nhân, một biểu tượng cứu vớt linh hồn lạc đạo của nạn nhân].
Một số quan án đạo giết người như vạt cỏ. Robert le Bourge đưa 183 người lên dàn hỏa trong một tuần lễ. Bernard Gui kết tội 930 người – tịch thu tài sản của tất cả 930 người – cho 307 người vào tù, và thiêu sống 42. Conrad of Marburg thiêu sống mọi người nào cho mình là vô tội.
Theo lịch sử, các cuộc hình án xử dị giáo được chia làm ba đợt: sự tiêu diệt những kẻ lạc đạo trong thời Trung Cổ, những tòa hình án xử dị giáo Tây Ban Nha vào thế kỷ 15, và những tòa án xử dị giáo của La Mã, bắt đầu sau cuộc cải cách [trong đó Tin Lành cũng nhúng tay vào]
Ở Tây Ban Nha, nhiều ngàn người Do Thái đã cải đạo sang Ki Tô Giáo để tránh tử hình trong những cuộc tàn sát của người Ki Tô Giáo. Một số người Hồi Giáo cũng vậy. Thuy nhiên, họ vẫn bị nghi ngờ là không được thành thật khi cải đạo và vẫn bí mật theo đạo cũ. Năm 1487, Giáo hoàng cho phép Vua Frenidand và Hoàng hậu Isabelle làm sống lại những tòa hình án xử dị giáo để săn lùng những người “Do Thái bí mật” và những người “Hồi Giáo bí mật” [Những người bị nghi ngờ là không thành thật cải đạo sang Ki Tô Giáo]. Linh mục dòng Đa Minh Tomas de Torquemada được chỉ định là Tổng Phán Quan, và hắn ta trở thành biểu tượng của sự độc ác tôn giáo. Hàng ngàn nạn nhân kêu la bị tra tấn, và ít nhất là 2000 người bị thiêu sống.
Thời kỳ xử dị giáo của La Mã bắt đầu năm 1542 khi Giáo hoàng Paul III muốn tiêu diệt tận gốc những ảnh hưởng của Tin Lành ở Ý. Dưới triều đại Paul IV, những tòa án xử dị giáo là một triều đại khủng bố, giết nhiều người “lạc đạo” chỉ vì nghi ngờ. Trong số những nạn nhân có cả nhà khoa học-triết gia Giordano Bruno, người tin theo thuyết các hành tinh quay xung quanh mặt trời của Copernicus. Ông ta bị thiêu sống ở La Mã vào năm 1600.
Những tòa án xử dị giáo làm tàn lụi nhiều quốc gia trong nhiều thế kỷ. Ở Bồ Đào Nha, tài liệu ghi lại là 184 người bị thiêu sống. Những tòa án xử dị giáo được những chiến thắng quân Tây Ban Nha mang tới các thuộc địa Mỹ Châu, để trừng phạt những thổ dân theo những tôn giáo của họ. Có 879 cuộc xử án những người lạc đạo ở Mexico vào cuối thế kỷ 16..
Lord Acton, một tín đồ Công giáo, viết vào cuối thế kỷ 19: “Nguyên tắc của Những Tòa Hình Án Xử Dị Giáo là giết người.. Những giáo hoàng không chỉ là những tên sát nhân có hạng, mà còn cho sự giết người là một căn bản hợp pháp của Giáo hội Ki Tô và là một điều kiện của sự cứu rỗi.” 6
Cuối cùng trong bài này, vì tôi không thể đưa ra tất cả những tài liệu, là thêm một tài liệu về các Tòa Hình Án Xử Dị Giáo của Helen Ellerbe trong cuốn Cái Mặt Đen Tối Của Lịch Sử Ki Tô Giáo (The Dark Side of Christian History, Morningstar & Lark, 1995, Chapter VI, pp. 76-92):
Chưa từng có nỗ lực có tổ chức của một tôn giáo để kiểm soát con người và giam giữ tâm linh của họ như là những tòa hình án của Ki Tô Giáo. Được phát triển từ trong khuôn khổ hợp pháp của chính giáo hội, những tòa hình án xử dị giáo toan tính khủng bố con người để bắt họ vào trong vòng tuân phục giáo hội. Như quan án đạo (Inquisitor) Francisco Pena phát biểu năm 1578: “Chúng ta phải nhớ rằng mục đích chính của các cuộc xử án và hành hình không phải là để cứu vớt linh hồn của kẻ bị cáo buộc mà để cho sự tốt lành công cộng và reo rắc sự sợ hãi cho những kẻ khác.” Những Tòa Án Xử Dị Giáo đã lấy đi vô số mạng người ở Âu Châu và trên thế giới khi nó theo gót những giáo sĩ thừa sai đi truyền đạo. Cùng với sự tàn bạo của những tòa án xử dị giáo, những giáo sĩ cũng đem sự biện minh tôn giáo (như được viết trong Thánh Kinh) để thực hành chế độ nô lệ.
Cái tinh thần bất phục trong thời Trung Cổ có vẻ như đã làm cho sự đòi hỏi tuyệt đối tuân phục của giáo hội trở nên trầm trọng. Cái hiểu về Thiên Chúa của Giáo hội là cái hiểu duy nhất. Không làm gì có chuyện bàn cãi hay tranh luận. Như quan án đạo Bernard Gui nói, tín đồ Công giáo không có tranh luận với những kẻ bất tín, “mà chỉ cần dùng gươm đâm vào bụng chúng cho thật sâu.” Trong một thời mà con người nẩy nở tâm linh, giáo hội khăng khăng cho rằng giáo hội là con đường duy nhất mà con người được phép biết về Thiên Chúa. Giáo hoàng Innocent III tuyên bố rằng: “bất cứ người nào mà toan tính có một quan điểm riêng về Thiên Chúa mà không đúng theo những tín điều của giáo hội đều phải bị thiêu sống mà không được thương sót.”..
Giáo hội xử dụng giáo luật của chính mình để hình thành một cơ quan có thể cưỡng bức con người phải tuân theo quyền lực của giáo hội. Năm 1231 giáo hoàng Gregory IX thiếtlập một tòa án riêng biệt, độc lập đối với những giám mục hay các cấp cao hơn. Những viên chức của tòa án, những quan án đạo, chỉ chịu trách nhiệm trước giáo hoàng. Luật xử dị giáo của giáo hội thay thế luật truyền thống thường dùng; “vô tội cho đến khi chứng thực là có tội” bằng luật “có tội cho đến khi chứng thực là vô tội.” Tuy rằng bề ngoài có vẻ như là một cuộc xử án, phương thức xử dị giáo khiến cho người bị nghi ngờ lạc đạo không có cách nào có thể chứng minh mình vô tội; phương thức xử án trên đưa đến kết quả cuộc là kết tội ngay cả những người chỉ mới là nghi ngờ lạc đạo. Người bị cáo buộc không có uyền được tham vấn. Không có chi tiết nào được đưa ra về thời gian và nơi chốn phạm những tội lạc đạo, hoặc những loại lạc đạo nào đã bị nghi ngờ là phạm phải.
Quan Án Đạo (The Inquisitor) chủ tọa phương thức xử dị giáo như cả hai: vừa là công tố viên vừa là quan tòa tuyên án… Một quan án đạo được tuyển chọn căn cứ trên sự nồng nhiệt truy tố lạc đạo của ông ta. Ông ta và những phụ tá, những liên lạc viên và mật thám, được quyền mang vũ khí. Và năm 1245, giáo hoàng cho phép các quan án đạo được tha tội cho những phụ tá của mình trước bất cứ những hành động bạo lực nào. Điều này khiến cho những tòa án xử dị giáo, vốn đã không chịu dưới quyền của nền pháp luật thế tục, cũng còn không chịu trách nhiệm ngay cả trước những tòa án của giới giáo sĩ..
Những quan án đạo trở nên rất giầu có. Họ nhận hối lộ và tiền hụi hàng năm mà những người giầu có phải trả để tránh bị tố cáo là lạc đạo. Tòa án xử dị giáo tịch thu tài sản của nhữngngười bị cho là lạc đạo. Vì các nạn nhân không có cách nào để chứng tỏ mình vô tội trước tòa nên các quan án đạo không cần chờ đến khi định tội rồi mới tịch thu tài sản của nạn nhân. Không như luật của La Mã để ra một phần tài sản cho người thừa kế của người có tội, giáo luật của tòa án xử dị giáo không để lại chút nào. Giáo hoàng Innocent III đã giải thích là chính Thiên Chúa đã trừng phạt con cái vì tội lỗi của cha mẹ. Cho nên, trừ khi con cái đứng ra ngay để tố cáo cha mẹ, chúng không được thừa hưởng chút nào. Những quan án đạo lên án ngay cả những người lạc đạo đã chết, đôi khi cả tới 70 năm sau khi chết. Chúng khai quật và hỏa thiêu xương cốt của người mà chúng cho là lạc đạo và rồi tịch thu mọi tài sản của những người thừa kế..
Những tòa án xử dị giáo thật tàn nhẫn đối với các nạn nhân của họ. Cùng một người vừa là công tố viên (người kết tội) vừa là quan tòa (người định tội) quyết định án tội. Năm 1244 Công đồng ở Narbonne ra lệnh rằng khi định tội những người lạc đạo, phải kết tội luôn người chồng hay người vợ của nạn nhân, hoặc cha mẹ của đứa con, và không có bản án nào được giảm vì đau ốm hay tuổi tác.
Tuy Giáo hội đã bắt đầu giết những người lạc đạo vào cuối thế kỷ 4 và sau đó ở Orléan vào năm 1022, lệnh của giáo hoàng năm 1231 quy định những người lạc đạo phải bị thiêu sống. Thiêu sống con người tránh được đổ máu [nhưng khi tra tấn nạn nhân thì tha hồ làm đổ máu] Câu trong Phúc Âm Giăng (John) được hiểu để trừng phạt nạn nhân bằng cách thiêu sống: “Nếu một người không tin vào Ta, nó sẽ bị dẹp đi như một cành cây, để khô héo; và các người sẽ thu thập nó, ném vào ngọn lửa, và chúng bị đốt cháy”(John 15: 16).
Cái sắc thái ác độc nhất của hệ thống xử dị giáo là những cách dùng để bắt buộc nạn nhân phải thú tội: phòng tra tấn. Tra tấn là hành động hợp pháp của Giáo hội từ năm 1252 khi được giáo hoàng Innocent IV cho phép và kéo dài cho tới năm 1917 khi văn kiện Codex Juris Canonici (giáo luật về cách xử xét) được thi hành. Innocent IV cho phép sự xét xử được kéo dài vô hạn để lấy lời thú tội, cho các quan án đạo tất cả thời gian họ muốn để tra tấn người bị kết tội. Năm 1262 những quan án đạo và phụ tá của họ được quyền tha tội cho nhau vì những tội ác làm đổ máu của họ. Họ chỉ cần giải thích là người bị tra tấn chết là vì đã bị quỷ bẻ gãy cổ.
Do đó, được phép của chính giáo hoàng, những quan án đạo tha hồ nghĩ ra những cách độc ác và kinh khủng nhất [để tra tấn kẻ lạc đạo]. Mặc những bộ áo chùng thâm và phủ vải đen trên đầu, các quan án đạo có thể lấy lời thú tội của bất cứ ai. Họ phát minh ra mọi hình cụ có thể tưởng tượng ra được để gây đau đớn cho nạn nhân bằng cách từ từ làm trận những khớp xương tr6n người hoặc làm tứ chi tước khỏi thân thể con người. Trên nhiều hình cụ này được khắc câu “Chỉ Cho Sự Vinh Quang Của Thiên Chúa”. Giá căng người, bánh xe kéo người lên xuống, tra tấn bằng nước là những hình cụ thông dụng nhất. Nạn nhân bị thoa mỡ lên người và từ từ nướng sống. Những lò sát sinh để giết người, biểu tượng ô nhục của Đức Quốc Xã trong thế kỷ 20, đã được những tòa án xử dị giáo xử dụng trước hết ở Đông Âu. Nạn nhân bị ném xuống hố sâu có đầy rắn độc và rồi bị chôn sống. Một cảnh tra tấn ghê rợn là lật úp một cái đĩa chứa đầy chuột trên bụng trần của nạn nhân. Lửa được đốt từ phía trên làm cho những con chuột hỏang sợ tìm cách chui rúc vào bụng nạn nhân.
Sự bạo hành nằm trong niềm tin về một đấng siêu đẳng duy nhất đã đi theo những nhà phiêu lưu và các nhà truyền giáo trên khắp thế giới. Khi Columbus tới Mỹ năm 1492, hắn ta tưởng lầm đó là Ấn Độ và gọi các thổ dân là “người Ấn” (Indians). Chính vì mục đích của hắn, chủ trương cải đạo các thổ dân vào “Đức Tin Thánh” của chúng ta (our Holy Faith) đã đưa đến sự nô lệ hóa và xuất cảng nhiều ngàn thổ dân Mỹ đi làm nô lệ. Cách đối xử có tính cách diệt chủng như vậy không phải là vấn đề vì các thổ dân Mỹ đã được cho cơ hội để sống cuộc sống đời đời trong Ki Tô Giáo.
Những tòa án xử dị giáo mau chóng theo gót nhửng nhà phiêu lưu và truyền giáo này. Vào khoảng 1570 những tòa hình án xử dị giáo đã thiết lập những tòa độc lập ở Peru và Mexico với mục đích “giải phóng quốc gia đã bị ô nhiễm bởi những người Do Thái và kẻ dị giáo”. Những thổ dân không chịu cải đạo vào Ki Tô Giáo đều bị thiêu sống giống như những kẻ lạc đạo. NHững Tòa Hình Án Xử Dị Giáo lan sang đến cả Goa, Ấn Độ, ở đ1o vào cuối thế kỷ 16, đầu thế kỷ 17, ít nhất là 3800 bị giết.
Dù không có những tòa án xử dị giáo ở địa phương, cung cách truyền giáo minh họa rõ ràng niềm tin vào một Thiên Chúa siêu đẳng duy nhất. Nếu hình ảnh của một Thiên Chúa thờ phụng ở một quốc gia nào mà không phải là Thiên Chúa của Ki Tô Giáo, thì đó không phải là Thiên Chúa. Những nhà truyền giáo Bồ Đào Nha ở Viễn Đông đã phá hủy chùa chiền, bắt buộc các học giả phải dấu đi nhưng kinh sách của tôn giáo họ, và dẹp bỏ những tục lệ cổ truyền.
Những nhà truyền giáo Ki Tô Giáo thường dự phần vào việc khai thác bóc lột đất đai ở ngoại quốc một cách vô lương tâm. Nhiều người trở thành nhà truyền giáo để trở thành giầu có nhanh chóng rồi trở về Âu Châu sống với những lợi nhuận từ những sự khai thác này.  Ở Mễ Tây Cơ, những giáo sĩ dòng Đa Minh, dòng Augustine, dòng Tên được biết là sở hữu chủ của “những đàn cừu lớn nhất, những vườn mía tốt nhất, những địa ốc tốt nhất” [Ở Việt Nam, Nhà Chung cũng chiếm hữu nhiều đất đai và cơ sở kinh doanh nhất, theo Linh Mục Trần Tam Tĩnh trong cuốn “Thập Giá và Lưỡi Gươm”]. Đặc biệt là ở Nam Mỹ, Giáo hội hỗ trợ việc nô lệ hóa các thổ dân và cướp đoạt đất đai của thổ dân. [Chúng ta hẳn câu nói thời danh của tổng giám mục Desmond Tutu, người đã đoạt giải Nobel về Hòa Bình năm 1984: “Chúng tôi có đất đai và họ tới với cuốn Thánh Kinh của họ. Chúng tôi tin họ, cầm cuốn Thánh Kinh trên tay, nhắm mắt cầu nguyện. Khi chúng tôi mở mắt ra thì chúng tôi có cuốn Thánh Kinh và họ có tất cả đất đai của chúng tôi.” (We have our lands and they came with their Bible. We believed in them and we pray with the Bible in our hands and our eyes closed. When we open our eyes, we have the Bible and they have our lands] Một sắc lệnh của giáo hoàng vào năm 1493 cho phép người Ki Tô được khai chiến với bất cứ dân tộc nào ở Nam Mỹ từ chối không theo Ki Tô Giáo…

0 nhận xét:

Đăng nhận xét