Thứ Ba, 5 tháng 11, 2013
Mario Vargas Llosa. Diễn từ Nobel: Vinh danh việc đọc và văn chương
13:36
Hoàng Phong Nhã
No comments
Phạm Nguyên Trường dịch
Những
người còn nghi ngờ rằng văn chương không chỉ đưa chúng ta chìm vào giấc
mơ của cái đẹp và hạnh phúc mà còn cảnh báo cho chúng ta về tất cả
những hình thức áp bức, hãy tự hỏi mình vì sao tất cả các chế độ cố tình
kiểm soát hành vi của các công dân từ lúc còn nằm nôi cho đến khi chết
đều sợ tự do đến mức phải thiết lập hệ thống kiểm duyệt và phải theo dõi
các nhà văn có tư tưởng độc lập một cách kĩ lưỡng đến như thế? Họ làm
như thế vì biết rằng nếu để cho trí tưởng tượng tự do lang thang trên
những trang sách thì họ sẽ gặp nguy hiểm đến mức nào, họ hiểu rằng khi
người đọc so sánh cái tự do được thể hiện trong đó, so sánh cái tự do đủ
sức làm cho trí tưởng tượng trở thành khả dĩ với chính sách ngu dân và
sự sợ hãi đang đứng đợi ngoài đời thì trí tưởng tượng sẽ trở thành lực
lượng dễ bùng nổ đến mức nào.
Tôi
học đọc từ năm lên năm tuổi, trong lớp học của người anh trai tên là
Justiniano, trong ngôi trường mang tên De la Salle Academy ở thành phố
Cochabamba, Bolivia. Đấy là sự
kiện quan trọng nhất trong cuộc đời tôi. Gần bảy mươi năm sau tôi vẫn
còn nhớ rất rõ sự kì diệu của việc chuyển các từ ngữ trong sách thành
hình ảnh đã làm cho cuộc đời tôi thêm phong phú đến mức nào, nó đã phá
vỡ các rào cản của không gian và thời gian, nó cho phép tôi ngao du cùng
thuyền trưởng Nemo suốt hai vạn dặm dưới đáy biển, chiến đấu cùng
d’Artagnan, Athos, Portos và Aramis trong cuộc đấu tranh chống lại những
mưu toan nhằm hãm hại nữ hoàng trong những ngày Richelieu nắm quyền;
hay hóa thân thành Jean Valjean đang cõng trên lưng tấm thân bất động
của Marius và tập tễnh bước trong những đường cống ngầm của Paris.
Đọc
biến giấc mơ thành cuộc đời và biến cuộc đời thành giấc mơ và đưa cả vũ
trụ văn chương đền gần tới mức một cậu bé như tôi hồi ấy cũng có thể
với tới được. Mẹ tôi nói rằng những tác phẩm đầu tay của tôi là sự tiếp
tục của những câu chuyện mà tôi đã đọc vì tôi cảm thấy buồn khi câu
chuyện kết thúc hoặc là tôi muốn thay đổi kết cục của chúng. Mà cũng có
thể đây chính là điều tôi đã làm cả đời nhưng không nhận ra: tôi đã kéo
dài – ngay cả khi đã trưởng thành và già đi – những câu chuyện từng lấp
đầy tuổi thơ tôi bằng những điều kinh ngạc và những cuộc phiêu lưu.
Ước
gì hôm nay mẹ tôi cũng có mặt ở đây, mẹ tôi từng khóc khi đọc thơ của
Amado Nervo và Pablo Neruda. Cả ông tôi là Pedro nữa - ông có một cái
mũi to và cái đầu hói bóng lóang – chính ông đã khen ngợi những bài thơ
của tôi. Và cả bác Lucho, người đã nhiệt tình khuyến khích tôi dành cả
tâm hồn và thể xác cho việc viết lách dẫu rằng văn chương ở thời đó và
tại đấy chẳng bù đắp được gì nhiều cho những người dấn thân vì sự nghiệp
của nó. Những người như thế đã đứng bên tôi trong suốt cuộc đời mình,
những người đã yêu thương tôi, động viên tôi và truyền cho tôi niềm tin
của họ mỗi khi tôi ngã lòng. Nhờ có họ và dĩ nhiên là nhờ sự ngoan cố và
một ít may mắn của tôi mà tôi đã có thể dành hầu như toàn bộ cuộc đời
mình cho niềm say mê, cho một
thói xấu, cho sự kì diệu của việc viết lách, cho sự sáng tạo ra một đời
sống song hành với cuộc đời của chúng ta để ta có thể tạm trú mỗi khi
xảy ra nghịch cảnh, tạo ra cuộc sống có thể biến điều khác thường trở
thành tự nhiên và tự nhiên lại trở khác thường, xua tan hỗn loạn, biến
xấu thành đẹp, biến phút chốt trở thành thiên thu, và vượt qua được cả
chết chóc.
Sáng
tác truyện không phải là việc dễ. Khi tình tiết câu chuyện trở thành
ngôn từ thì dự định tan dần ra trên trang giấy, ý tưởng và hình ảnh cũng
nhạt nhòa theo. Làm thế nào để chúng lại trở thành sống động? May là
lúc nào cũng có các bậc đại sư ở bên cạnh, bao giờ cũng có những người
thày để tôi học, những thí dụ để tôi theo. Flaubert dạy tôi rằng tài
năng là kỉ luật sắt và sự kiên trì trong một thời gian dài. Faulkner dạy
tôi rằng hình thức – phong cách và cấu trúc tác phẩm – có thể làm tăng
hay giảm giá trị của đề tài. Martorell, Cervantes, Dickens, Balzac,
Tolstoy, Conrad, Thomas Mann dạy tôi rằng phạm vi và qui mô của tác phẩm
cũng quan trọng chắng khác gì văn phong và bố cục. Sartre dạy tôi rằng
ngôn từ là hành động, rằng một cuốn tiểu thuyết, một vở kịch hay một
tiểu luận, trong những giai đoạn nhất định và với những điều kiện thuận
lợi, có thể làm thay đổi cả cục diện của lịch sử. Camus và Orwell dạy
tôi rằng văn chương mà không có đạo đức là văn chương phi nhân, còn
Malraux thì dạy tôi rằng chủ nghĩa anh hùng và anh hùng ca có thể xuất
hiện trong thời đại ngày nay cũng như đã từng xuất hiện vào thời của các
các Argonauts, thời của Odyssey và Iliad.
Nếu
trong bài diễn văn này tôi phải nhắc lại tên tất cả những nhà văn mà
tôi hàm ơn – cả trong việc lớn lẫn việc nhỏ - thì bóng của họ sẽ làm mờ
mịt cả đất trời. Nhiều đến nỗi không thể nào đếm nổi. Họ không chỉ chia
sẻ với tôi những bí quyết của nghệ thuật viết truyện mà còn giúp đỡ tôi
khám phá những tầng sâu thẳm nhất trong tâm hồn của con người, ngưỡng mộ
sự nghiệp anh hùng và kinh hoàng trước những hành vi tàn bạo cũng của
con người. Họ là những người bạn sốt sắng nhất của tôi, là những người
đã thổi hồn vào năng khiếu của tôi, từ những tác phẩm của họ tôi đã phát
hiện ra rằng ngay cả trong những hoàn cảnh tồi tệ nhất thì người ta vẫn
có quyền hi vọng, và phải cố gắng sống vì nếu không sống thì ta sẽ
không thể đọc và không thể nghĩ ra những câu chuyện.
Có
đôi khi tôi đã tự hỏi rằng ở một đất nước như nước tôi, một đất nước có
rất ít người đọc, lại có quá nhiều người nghèo và mù chữ, có quá nhiều
bất công và văn học là đặc quyền của một số ít người thì viết có phải là
thú chơi xa xỉ hay không. Nhưng những ngờ vực như thế không bao giờ dập
tắt đam mê của tôi, tôi vẫn viết ngay cả khi việc kiếm sống chiếm hấu
như toàn bộ thời gian của tôi. Tôi
tin rằng mình đã hành động đúng, vì nếu văn học chỉ phát triển khi xã
hội phải đã nền văn hóa cao, đã có tự do, thịnh vượng và công lí thì văn
học sẽ không bao giờ tồn tại được. Nhưng nhờ có văn chương, nhờ nhận
thức mà nó định hình, nhờ những khát vọng và đam mê mà gây ra trong lòng
người đọc và nhờ sự thất vọng với hiện thực sau khi chúng ta trở về từ
cuộc viễn du vào trong vương quốc tuyệt với của trí tưởng tượng mà nền
văn minh hiện nay đã không còn tàn bạo như thời những người kể truyện
bắt đầu nhân tính hóa cuộc đời bằng những truyện ngụ ngôn của họ. Nếu
không có những cuốn sách hay mà ta đã đọc thì ta sẽ là những người tồi
tệ hơn, dễ thỏa hiệp hơn, không điềm đạm bằng, dễ bảo hơn, và tinh thần
phê phán, cũng là động cơ của tiến bộ sẽ không thể tồn tại được. Tương
tự như viết, đọc cũng là cách tự vệ nhắm chống lại những thiếu thốn của
cuộc đời. Khi chúng ta tìm trong tác phẩm văn chương cái mà cuộc đời còn
chưa có, ta nói, mà không thành tiếng hoặc thậm chi không biết là mình
nói, rằng cuộc đời, như nó đang là, không thể thỏa mãn được cơn khát của
ta về cái tuyệt đối – nền tảng của điều kiện sống của con người – và
cuộc sống phải tốt hơn. Chúng ta tưởng tượng để có thể sống nhiều cuộc
đời như ta mong muốn trong khi ta chỉ có mỗi một cuộc đời mà thôi.
Không
có trí tưởng tượng chúng ta sẽ không nhận thức được rằng giá trị của tự
do là làm cho cuộc đời trở thành chịu đựng được, khi tự do bị những tên
bạo chúa, những hệ tư tưởng hay tôn giáo chà đạp thì cuộc đời sẽ trở
thành địa ngục trần gian. Những người còn nghi ngờ rằng văn chương không
chỉ đưa chúng ta chìm vào giấc mơ của cái đẹp và hạnh phúc mà còn cảnh
báo cho chúng ta về tất cả những hình thức áp bức, hãy tự hỏi mình vì
sao tất cả các chế độ cố tình kiểm soát hành vi của các công dân từ lúc
còn nằm nôi cho đến khi chết đều sợ tự do đến mức phải thiết lập hệ
thống kiểm duyệt và phải theo dõi các nhà văn có tư tưởng độc lập một
cách kĩ lưỡng đến như thế? Họ làm như thế vì biết rằng nếu để cho trí
tưởng tượng tự do lang thang trên những trang sách thì họ sẽ gặp nguy
hiểm đến mức nào, họ hiểu rằng khi người đọc so sánh cái tự do được thể
hiện trong đó, so sánh cái tự do đủ sức làm cho trí tưởng tượng trở
thành khả dĩ với chính sách ngu dân và sự sợ hãi đang đứng đợi ngoài đời
thì trí tưởng tượng sẽ trở thành lực lượng dễ bùng nổ đến mức nào. Khi
nhà văn nghĩ ra câu chuyện, thì dù muốn, hay không; dù biết, hay không,
anh ta cũng đang truyền bá sự bất mãn: anh ta chỉ cho mọi người thấy
rằng thế giới chưa hoàn thiện và cuộc đời trong trí tưởng tượng giàu có
hơn là đời sống thường nhật của chúng ta. Nếu sự kiện này ăn sâu bén rễ
vào nhận thức và tình cảm của người dân thì sẽ làm cho dân chúng trở
thành những người vững vàng hơn, họ sẽ không dễ dàng nghe theo những lời
nói dối của những điều tra viên và những tên cai ngục, những kẻ luôn
thuyết phục họ rằng sống sau song sắt nhà tù thì sẽ an toàn hơn và sung
sướng hơn.
Văn
chương đích thực xây những cây cầu kết nối các dân tộc lại với nhau, và
bằng cách làm cho chúng ta vui, đau khổ hay ngạc nhiên, nó liên kết
chúng ta, mặc cho những khác biệt về ngôn ngữ, tín ngưỡng, thói quen và
thành kiến. Khi con cá voi lớn chôn cất thuyền trưởng Ahab vào lòng đại
dương thì trái tim của độc giả ở Tokyo, Lima
hay Timbuctu cùng run sợ như nhau. Khi bà Emma Bovary nuốt thạch tín,
khi Anna Karenina lao vào đầu đòan tàu hỏa, khi Julien Sorel leo lên
đoạn đầu đài, và khi ông bác sĩ Juan Dahlmann trong tác phẩm El sur
bước từ quán rượu ra ngoài phố, nơi có một kẻ sát nhân cầm dao đang đợi
ông hoặc khi ta biết rằng toàn thể dân làng Comala, làng của Pedro
Páramo, đều đã chết thì dù là người Phật tử, người theo Khổng giáo, theo
Thiên chúa giáo hay theo Hồi giáo hay người theo thuyết bất khả tri, dù
là người vận com lê và cà vạt hay kimono hoặc mặc gì đi nữa thì chúng
ta cũng đều rùng mình như nhau. Văn chương tạo ra tình huynh đệ trong sự
đa dạng và xóa nhòa biên giới – do sự ngu dốt, do các hệ tư tưởng, do
các tôn giáo, do ngôn ngữ và sự đần độn tạo ra – giữa người với người.
Mỗi
thời ác mộng mỗi khác. Thời của chúng ta là thời của những kẻ cuồng
tín, của những tên khủng bố liều chết: đấy là giống người có từ quá khứ
xa xưa, họ tin rằng giết người là được lên thiên đàng, rằng máu của
những người vô tội sẽ rửa sạch những nỗi nhục nhã mà người ta đã gây ra
cho bộ lạc của họ, sẽ sửa chữa được bất công và sẽ đem chân lí thay thế
cho niềm tin sai lầm. Trên khắp thế giới, hàng ngày có biết bao nhiêu
người trở thành nạn nhân của những kẻ cho rằng họ là người nắm được chân
lí tuyệt đối. Khi đế chế toàn trị sụp đổ, chúng ta
từng tin rằng hòa bình, chủ nghĩa đa nguyên và quyền con người sẽ giành
được sự tôn trọng và những hiện tượng như giết hại hàng loạt người Do
Thái, tội diệt chủng, xâm lược và chiến tranh hủy diệt sẽ trở thành quá
khứ. Nhưng không phải như thế. Tình trạng dã man bung ra dưới những hình
thức mới, lại được sự cuồng tín khuyến khích và cùng với sự phổ biến
của vũ khí hủy diệt hàng loạt, chúng ta không được quên rằng một nhóm
những “đấng cứu thế” điên rồ một ngày nào đó có thể kích động một vụ hủy
diệt hạt nhân. Chúng ta phải ngăn chặn, phải chống lại và phải đánh bại
chúng. Số đó không phải là nhiều, mặc dù tội ác của chúng đã gây ra
những vụ ồn ào lan truyền trên khắp hành tinh và những cơn ác mộng mà
chúng gây ra đã làm chúng ta khiếp sợ. Nhưng chúng ta không được để cho
những kẻ muốn tước đoạt quyền tự do mà chúng ta đã dành được trong suốt
chiều dài lịch sử của nền văn minh đe dọa chúng ta. Chúng ta phải bảo vệ
nền dân chủ tự do: với tất cả những hạn chế của mình, dân chủ tự do vẫn
là hiện thân của chủ nghĩa đa nguyên về mặt chính trị, cùng tồn tại,
lòng khoan dung, quyền con người, tôn trọng ý kiến phê bình, tính chính
danh, bầu cử tự do, luân phiên nắm quyền – tức là tất cả những gì đã đưa
chúng ta ra khỏi tình trạng dã man và đã đưa chúng ta đến gần hơn – dù
không bao giờ đạt được - với cuộc sống tốt đẹp, cuộc sống lí tưởng mà
văn chương đã vẽ ra, một cuộc sống mà ta chỉ có thể nghĩ ra, viết lên
giấy và đọc được mà thôi. Chiến đấu chống lại những kẻ cuồng tín sát
nhân là chúng ta đang bảo vệ quyền được mơ ước và quyền biến ước mơ
thành sự thật của chúng ta.
Thời
thanh niên, cũng như nhiều nhà văn thuộc thế hệ tôi, tôi đã là một
người Marxist và tin rằng chủ nghĩa xã hội sẽ chữa trị được tình trạng
bóc lột và bất công xã hội vốn đã trở thành gay gắt ở đất nước tôi, ở Mĩ
Latin và ở cả phần còn lại của Thế giới Thứ ba. Sự vỡ mộng của tôi với
chủ nghĩa quốc gia, chủ nghĩa tập tập thể và quá trình chuyển hóa để trở
thành một người dân chủ và theo trường phái tự do như tôi đang là – và
cố gắng trở thành – là một quá trình lâu dài và đầy khó khăn. Quá trình
này diễn ra một cách chậm chạp, là hậu quả của việc chuyển hóa cách mạng
Cuba – mà ban đầu tôi rất ngưỡng mộ - theo mô hình toàn trị của Liên
Xô, hậu quả của những câu chuyện của những người bất đồng chính kiến đã
chạy thóat khỏi hàng rào kẽm gai của quần đảo ngục tù GULAG, của cuộc
xâm lược của quân đội các nước khối Warsaw vào Tiệp Khắc, và của những
nhà tư tưởng như Raymond Aron, Jean Francois Rével, Isaiah Berlin, và
Karl Popper, nhờ có họ mà tôi đã đánh giá lại nền văn hóa dân chủ và xã
hội mở. Họ là những tấm gương về sự sáng suốt và lòng dũng cảm giữa lúc
giới trí thức phương Tây, vì tính nhẹ dạ và chủ nghĩa cơ hội, có vẻ như
đã bị chủ nghĩa xã hội Liên Xô cho ăn bùa mê thuốc lú, hoặc thậm chí còn
tồi tệ hơn thế, là đã bị mụ phù thủy mình đầy máu me của Cuộc Đại Cách
Mạng Văn Hóa của Trung Quốc lừa gạt nữa.
Khi
còn bé tôi đã mơ được đến Paris, vì bị nền văn học Pháp hớp hồn, tôi
tin rằng được sống ở đấy, được thở bầu không khí mà Balzac, Stendhal,
Baudelaire, và Proust đã từng thở sẽ giúp tôi trở thành nhà văn thực sự,
còn cứ ở lại Peru thì tôi chỉ có thể trở thành nhà văn cho những tờ phụ
trương ra ngày chủ nhật và ngày lễ mà thôi. Sự thật là tôi mang ơn nước
Pháp và nền văn hóa Pháp vì những bài học không thể nào quên, thí dụ
như văn chương không chỉ là đam mê mà còn là kỉ luật, lao động và lòng
kiên trì nữa. Tôi đã sống ở đấy khi Sartre và Camus còn sống và còn sáng
tác, tôi đã sống cùng thời với Ionesco, Beckett, Bataille và Cioran,
cùng thời với kịch của Brecht và phim của Ingmar Bergman, với Nhà hát
Nhân dân Quốc gia của Jean Vilar và Odéon của Jean-Louis Barrault, của
Làn sóng mới và Tiểu thuyết mới, cùng thời với những bài diễn văn và tác
phẩm tuyệt vời của André Malraux, và cùng thời với những buổi họp báo
và những bài phát biểu nảy lửa của Tướng De Gualle, cũng có thể được coi
là quang cảnh hoành tráng nhất châu Âu thời đó. Nhưng trước hết tôi tôi
mang ơn nước Pháp vì đã giúp tôi phát hiện ra châu Mĩ Latin. Chính ở
đây tôi đã hiểu ra rằng Peru là một phần của một cộng đồng to lớn, liên
kết với nhau bằng lịch sử, địa lí, bằng các vấn đề chính trị và xã hội,
bằng cách sống, và bằng ngôn ngữ tuyệt vời mà người dân ở đấy nói và
viết. Chính trong những năm đó cộng đồng này đã sản sinh ra một nền văn
học mới, đầy sức mạnh. Ở đây, tôi đã đọc Borges, Octavio Paz, Cortázar,
García Márquez, Fuentes, Cabrera Infante, Rulfo, Onetti, Carpentier,
Edwards, Donoso, và nhiều người khác. Tác phẩm của họ đã làm được một
cuộc cách mạng trong văn chương viết bằng tiếng Tây Ban Nha, nhờ có họ
mà châu Âu và những khu vực khác trên thế giới mới phát hiện ra rằng Mĩ
Latin không chỉ là những cuộc đảo chính quân sự, những bạo chúa, những
người du kích râu dài và những đồ lưu niệm và nhạc cha-cha-cha mà còn có
những ý tưởng, những hình thức nghệ thuật, những hình tượng văn học làm
cho người ta quan tâm không phải chỉ vì sự hiếu kì mà là những hình
tượng nói bằng ngôn ngữ chung của cả loài người.
Từ đó đến nay, dù còn có những sai lầm và vấp váp, như César Vallejo nói trong bài thơ Hay, hermanos, muchísimo que hacer
[Vẫn còn nhiều việc phải làm, bạn ơi], nhưng Mĩ Latin vẫn đang tiến
lên. Các chế độ độc tài đã không còn nhiều như xưa, chỉ còn Cuba và nước theo đuôi nó là Venezuela, và một số chế độ đang chơi trò hề dân chủ ở Bolivia và Nicaragua
mà thôi. Nhưng tại các khu vực khác, chế độ dân chủ đang hoạt động một
cách hiệu quả, có sự đồng thuận rộng rãi của đa số dân chúng, và đây là
lần đầu tiên trong lịch sử của chúng tôi, tại các nước như Brazil,
Chile, Uruguay, Peru, Colombia, Cộng hòa Dominican, Mexico, và tại hầu
hết các nước vùng Trung Mĩ cả phe tả và phe hữu đều tôn trọng pháp luật,
tôn trọng quyền tự do phê phán, tôn trọng bầu cử và thay nhau cầm
quyền. Đấy là con đường đúng đắn và nếu tiếp tục tiến bước trên con
đường đó, tiếp tục đấu tranh chống nạn tham nhũng và hội nhập với thế
giới thì cuối cùng châu Mĩ Latin sẽ không còn là lục địa của tương lai
nữa mà sẽ trở thành lục địa của hiện tại.
Tôi
không bao giờ cảm thấy mình là người ăn nhờ ở đậu ở châu Âu hay ăn nhờ ở
đâu ở bất cứ nơi nào khác. Dù sống ở đâu, dù đấy có là Paris, London,
Barcelona, Madrid, Berlin, Washington, New York, Brazil, hay cộng hòa
Dominica thì tôi cũng cảm thấy như
đang sống ở nhà mình vậy. Nơi nào tôi có thể sống trong hòa bình, có
thể làm việc, tìm hiểu những điều mới lạ, ước mơ, và tìm được bạn bè,
tìm được những cuốn sách hay để đọc, đề tài hay để viết thì đấy chính là
tổ ấm của tôi. Tôi không nghĩ rằng việc tôi trở thành, dù không có chủ
ý, người công dân của thế giới đã làm phai nhạt “gốc
rễ” của tôi, phai nhạt mối liên hệ của tôi với đất nước tôi, vì nếu xảy
ra chuyện đó thì những trải nghiệm ở Peru đã không còn tiếp tục nuôi
dưỡng tâm hồn tôi và không thường xuyên xuất hiện trong những câu chuyện
của tôi, dù có vẻ như những chuyện đó diễn ra ở những nơi rất xa Peru.
Ngược lại, tôi tin rằng sống trong một thời gian dài ở xa đất nước nơi
tôi ra đời đã củng cố thêm những mối quan hệ đó, làm cho chúng trở thành
sống động hơn, tạo ra lòng hoài cổ có thể phân biệt được bản chất và
những cái râu ria khác, và giữ cho kỉ niệm luôn luôn sống động. Tình yêu
đất nước nơi ta ra đời không thể là tình cảm bắt buộc, nó, cũng giống
như tất cả những tình cảm khác, phải là hành động tự phát của trái tim,
tương tự như tình cảm gắn bó giữa những cập tình nhân, giữa cha mẹ và
con cái, và giữa bạn bè với nhau vậy.
Tôi
mang Peru trong trái tim mình vì đấy là nơi sinh của tôi, nơi tôi lớn
lên, tôi trưởng thành, và sống với những trải nghiệm của thời thơ ấu và
tuổi thanh xuân, những trải nghiệm đã định hình cá tính của tôi và rèn
đúc thiên hướng của tôi, đấy là nơi tôi đã yêu, đã ghét, đã vui, đã đau
khổ và đã ước mơ. Những điểu xảy ra ở đấy có ảnh hưởng đến tôi, làm tôi
xúc động và bức xúc hơn là những điều xảy ra ở bất cứ nơi nào khác. Tôi
không muốn, cũng không ép mình phải làm như thế, đơn giản là đã xảy ra
như thế. Một số đồng bào của tôi đã kết án tôi là phản bội, súyt nữa thì
tôi đã mất quyền công dân, đấy là vì trong giai đoạn cai trị của chế độ
độc tài vừa qua tôi đã kêu gọi các chính phủ dân chủ trên thế giới áp
dụng các biện pháp ngoại giao và kinh tế nhằm trừng phát nó, như tôi đã
luôn làm như thế với tất cả các chế độ độc tài khác như Pinochet, Fidel
Castro, Taliban ở Afghanistan, Hồi giáo ở Iran, phân biệt chủng tộc ở
Nam Phi, độc tài quân sự ở Myanmar. Ngày mai tôi cũng sẽ làm như thế,
nếu – số phận không muốn như thế và nhân dân Peru cũng không cho phép
như thế - Peru lại trở thành nạn nhân của một cuộc đảo chính quân sự,
phá hủy nền dân chủ còn yếu ớt của chúng ta. Đấy không phải là hành động
hấp tấp, cảm tính của một người bất mãn, như một số cây bút nửa mùa,
những kẻ đã quen đánh giá người khác theo quan niệm nhỏ nhen của họ, đã
viết. Đấy là hành động phù hợp với niềm tin của tôi rằng chế độ độc tài
là điều tệ hại nhất của đất nước, là nguồn gốc của sự bạo tàn và tham
nhũng và là vết thương đã ăn sâu vào da thịt cần thời gian điều trị lâu
dài, nó đầu độc tương lai của dân tộc, nó tạo ra những thói quen và cách
hành xử nguy hiểm kéo dài trong nhiều thế hệ và làm chậm lại quá trình
hồi sinh của nền dân chủ. Đấy là lí do vì sao phải đấu tranh chống chế
độ độc tài một cách không khoan nhượng, bằng tất cả các phương tiện có
trong tay, kể cả cấm vận kinh tế. Đáng tiếc là các chính phủ dân chủ,
đáng lẽ phải sát cánh với những phong trào như “Phụ nữ mặc áo trắng” ở
Cuba, phong trào đối lập ở Venezuela hay những người như bà Aung San Suu
Kyi và ông Lưu Hiểu Ba, tức là những người chiến đấu kiên cường với chế
độ độc tài, nhiều khi lại có thái độ ân cần đối với những tên cai ngục
đang giam giữ họ. Những con người dũng cảm đó không chỉ đấu tranh cho
quyền tự do của mình mà còn đấu tranh cho quyền tự do của tất cả chúng
ta.
José María Arguedas, một người đồng hương của tôi, đã gọi Peru
là đất nước của “mọi sắc dân”. Tôi không tin là có thể tìm được định
nghĩa tốt hơn. Chúng ta là như thế và đấy là điều mà mọi người Peru
đều mang sẵn trong lòng, dù người đó có muốn hay không: đấy là toàn thể
những truyền thống, chủng tộc, tín ngưỡng và văn hóa, xuất phát từ bốn
thành tố căn bản. Tôi tự hào khi cảm thấy mình là hậu duệ của nền hóa
tiền-Tây Ban Nha, tức là nền văn hóa đã tạo ra vải và áo choàng bằng
lông chim của Nazca và Paracas, tạo ra đồ gốm vùng Mochica hay Inca hiện
đang được trưng bày trong những bảo tàng danh tiếng nhất thế giới,
những người thợ xây dựng nên Machu Picchu, Gran Chimú, Chan Chan,
Kuelap, Sipán, những nghĩa địa ở La Bruja, El Sol và La Luna, và hậu duệ
của người Tây Ban Nha, những người cùng với giáo gươm, ngựa và yên ngựa
đã đem đến Peru nền văn minh Hi Lạp, nền văn minh La Mã, truyền thống
Do Thái-Thiên chúa giáo, mang đến thời đại Phục hưng, mang đến
Cervantes, Quevedo và Góngora, và giọng nói chói tai vùng Castile pha
trộn với ngôn ngữ ngọt ngào xứ Andes. Và cùng với Tây Ban Nha là châu
Phi, sức mạnh của nó, nền âm nhạc của nó, trí tưởng tượng sôi sục của nó đã làm phong phú thêm cho tính đa dạng của Peru. Chỉ cần tìm hiểu sâu một chút thôi là chúng ta sẽ phát hiện ra rằng Peru,
tương tự như Aleph của Borges, là toàn thề giới thu nhỏ lại. Đất nước
không có bản sắc bởi vì nó có tất các mọi bản sắc, đấy chẳng phải là
niềm vinh hạnh không gì sánh nổi hay sao!
Cũng
giống như mọi cuộc xâm lăng khác, cuộc xâm lăng châu Mĩ dĩ nhiên là dã
man và tàn bạo rồi, chúng ta phải lên án nó. Nhưng chúng ta thường quên
điều không được quên là những người cướp bóc và phạm tội ở đây chính là
những cụ cố, những tằng tổ của chúng ta, những người đã đi từ Tây Ban
Nha đến Mĩ và tiếp thu lối sống Mĩ chứ không phải là những người Tây Ban
Nha vẫn sống trên quê hương của họ. Muốn
trở thành công chính thì lời phê bình như thế cũng phải là lời tự phê
bình. Vì hai trăm năm trước, khi chúng ta giành được độc lập từ tay Tây
Ban Nha, những người nắm được chính quyền tại các nước thuộc địa cũ đã
không những không giải phóng người da đỏ châu Mĩ, không sửa chữa những
sai lầm trong quá khứ mà còn tiếp tục bóc lột họ một cách tham lam và
tàn bạo chẳng khác gì những kẻ xâm lược, và ở một số nước họ còn tiêu
diệt một phần hoặc toàn bộ dân chúng bản địa nữa. Chúng ta phải nói một
cách thật rõ ràng: suốt hai trăm năm qua việc giải phóng người bản xứ là
trách nhiệm riêng của chúng ta, nhưng chúng ta đã không hoàn thành
trách nhiệm này. Vấn đề này vẫn chưa được giải quyết trên toàn lục địa
Mĩ Latin. Đấy thật là điều nhục nhã và xấu hổ đối với tất cả chúng ta,
không trừ một ai!
Tôi yêu Tây Ban Nha cũng như yêu Peru
vậy, món nợ và lòng biết ơn của tôi với đất nước này cùng lớn như nhau.
Nếu không có Tây Ban Nha thì tôi sẽ chẳng bao giờ bước lên được chiếc
bục này hoặc có thể trở thành một nhà văn nổi tiếng, mà có thể, giống
như nhiều đồng nghiệp không được số phận ưu ái khác, tôi vẫn nằm trong
số những nhà văn kém may mắn, không được xuất bản, không có giải thưởng
và không có độc giả, những người mà tài năng - thật đáng buồn thay - có
thể được hậu thế phát hiện. Tất cả các tác phẩm của tôi đều được xuất
bản ở Tây Ban Nha, ở đấy tôi đã được mọi người quá ưu ái và những người
bạn của tôi như Carlos Barral, Carmen Balcells và nhiều người khác nữa
đã rất nhiệt tình trong việc đưa tác phẩm của tôi đến với người đọc. Và
Tây Ban Nha đã cho tôi quốc tịch thứ hai ngay khi tôi có thể bị tước
quyền công dân. Tôi không bao giờ cảm thấy bất kì sự bất bình thường nào
giữa việc tôi là người Peru nhưng lại có hộ chiếu Tây Ban Nha vì tôi
luôn cảm thấy Tây Ban Nha và Peru là hai mặt của một đồng tiền, đấy
không chỉ là trong con người cá nhân nhỏ bé của tôi mà còn trong những
vấn đề căn bản như lịch sử, ngôn ngữ và văn hoá nữa.
Sau tất cả những năm đã sống trên mảnh đất Tây Ban Nha, tôi nhớ nhất năm năm cư ngụ ở Barcelona
yêu dấu vào đầu những năm 1970. Chế độ độc tài Franco vẫn đang ngự trị
và tiếp tục bắn giết, nhưng lúc đó nó đã là cái xác quấn bằng rẻ rách
rối, nó không còn kiểm soát được xã hội như trước nữa, đặc biệt là trong
lĩnh vực văn hoá. Vết nứt và lỗ thủng xuất hiện khắp nơi, nhân viên
kiểm duyệt không còn đủ sức bôi trám nữa, và xã hội Tây Ban Nha, thông
qua những kẻ hở này, đã tiếp thu được những ý tưởng mới, tác phẩm mới,
xu hướng triết học mới, giá trị và những hình thức nghệ thuật mới, vốn
bị coi là phản loạn và bị cấm trước đó. Không có thành phố nào tận dụng
được giai đoạn mở màn của quá trình dân chủ hoá này một cách toàn diện
và tốt hơn là Barcelona, không có thành phố nào được trải nghiệm một sự
phấn khích trong lĩnh vực tư tưởng và sáng tạo đến như thế. Barcelona
đã trở thành thủ đô văn hoá của Tây Ban Nha, phải ở đây thì mới hít thở
được bầu không khí của một nền tự do đang gần kề. Và theo một nghĩa nào
đó thì đấy cũng đã là thủ đô văn hoá của Mĩ Latin vì có khá nhiều hoạ
sĩ, nhiều nhà văn, nhà xuất bản và nghệ sĩ từ các nước Mĩ Latin đã ở
hoặc đi đi về về Barcelona: trong thời của chúng tôi, nếu bạn muốn trở
thành nhà thơ, nhà văn, nghệ sĩ hay nhạc sĩ thì bạn phải tới Barcelona.
Đối với tôi, đấy là những năm tháng không thể nào quên được của tình
bằng hữu, của những dự định và lao động sáng tạo đấy hiệu quả. Cũng như
Paris, Barcelona là “Tháp Babel”, là thành phố toàn cầu, thành phố của
toàn thể nhân loại, nơi con người hào hứng sống và lao động; nơi, lần
đầu tiên sau Nội chiến, các nhà văn Tây Ban Nha và Mĩ Latin hoà nhập với
nhau, kết nghĩa với nhau, công nhận nhau là những người có cùng một
truyền thống và liên kết với nhau trong cùng một sự nghiệp và niềm tin:
giờ cáo chung của chế độ độc tài đã điểm và trong đất nước Tây Ban Nha
dân chủ văn hoá sẽ giữa vai trò chủ đạo.
Mặc
dù không xảy ra đúng như thế, nhưng quá trình chuyển hoá Tây Ban Nha từ
độc tài sang dân chủ là một trong những câu chuyện hay nhất trong thời
hiện đại, là một thí dụ điển hình về việc lương tri và lí trí đã thắng
thế và các đối thủ về mặt chính trị vì lợi ích chung đã gác sang một bên
chủ nghĩa bè phái, đấy là những sự kiện kì diệu chẳng khác gì những sự
kiện trong tiểu thuyết của chủ nghĩa hiện thực huyền ảo vậy. Quá trình
chuyển hoá Tây Ban Nha từ độc đoán sang tự do, từ kém phát triển đến
thịnh vượng, từ những bất bình đẳng và khác biệt giàu nghèo về kinh tế
đặc trưng cho Thế giới Thứ ba sang đất nước của các tầng lớp trung lưu,
việc nước này hội nhập vào châu Âu và chỉ trong vài năm đã tiếp thu được
nền văn hoá dân chủ đã làm cả thế giới phải ngạc nhiên và thúc đẩy quá
trình hiện đại hoá Tây Ban Nha. Đối với tôi, trải nghiệm tất cả chuyện
đó với khoảng cách gần, đôi khi ngay từ bên trong, là một câu chuyện rất
xúc động và là một bài học khó quên. Tôi nhiệt liệt tin tưởng rằng chủ
nghĩa dân tộc - bệnh dịch khó chữa của thế giới cũng như của Tây Ban Nha
– không thể nào phá huỷ được câu chuyện cổ tích có hậu này.
Tôi
khinh thường chủ nghĩa dân tộc dưới mọi hình thức, đấy là một hệ tư
tưởng quê mùa - hay đúng hơn, đấy là một tôn giáo - thiển cận, biệt
phái, nó thu hẹp các chân trời tri thức và che dấu trong lòng nó những
thành kiến phân biệt sắc tộc và chủng tộc, vì nó biến một sự kiện hoàn
toàn ngẫu nhiên là nơi sinh của người ta thành giá trị cao nhất, thành
ưu thế về mặt đạo đức và bản thể. Cùng với tôn giáo, chủ nghĩa dân tộc
là nguyên nhân của những vụ tàn sát đẫm máu nhất trong lịch sử, như hai
cuộc thế chiến hay những vụ tàn sát đang diễn ra ở Trung Đông hiện nay.
Chủ nghĩa dân tộc là nguyên nhân chính gây ra sự chia rẽ ở Mĩ Latin và
những vụ tắm máu trong những cuộc chiến tranh và cãi cọ vô nghĩa lí,
phung phí những nguồn lực cực kì to lớn cho việc mua sắm vũ khí, thay vì
xây dựng trường học, thư viện và bệnh viện.
Chúng
ta không được lẫn lộn giữa chủ nghĩa dân tộc mù quáng và việc không
chấp nhận những người thuộc dân tộc khác của nó, đấy luôn luôn là hạt
giống của bạo lực, với chủ nghĩa yêu nước, cùng tình yêu tha thiết với
vùng đất nơi ta sinh ra, nơi cha ông ta đã sống, nơi những giấc mơ đầu
đời của ta đã hình thành, tình yêu với phong cảnh quen thuộc của vùng
đất, với những người thân thương của ta và yêu những sự kiện đã biến
thành tấm biển chỉ đường của kí ức và bảo vệ chống lại sự cô đơn. Quê
hương không phải là những là cờ, không phải là những bài quốc ca hay
những bài diễn văn không chê vào đâu được về những người anh hùng không
tì vết mà là một vài vùng đất và một ít người nằm trong kỉ niệm của
chúng ta và làm cho kỉ niệm của ta nhuốm vẻ u hoài, hâm nóng tình cảm
của ta dù ta đang ở bất kì đâu, đấy là ngôi nhà mà ta có thể trở về bất
cứ lúc nào.
Đối với tôi Peru là Arequipa,
nơi tôi sinh ra nhưng tôi không sống ở đấy ngày nào. Đấy là thành phố
mà tôi đã biết thông qua những câu chuyện đầy hoài niệm của mẹ tôi, ông
bà tôi, chú bác cô dì tôi vì cà
dòng họ tôi, như những người Arequipa chân chính, bao giờ cũng mang
theo Thành phố Trắng trong cuộc đời nay đây mai đó của họ. Đấy là Piura,
nằm giữa hoang mạc, với những bụi cây mequite và những con lừa phải thồ
trên lưng những món hàng nặng nề, khi tôi còn trẻ người Piura thường
gọi chúng bằng một cái tên đáng yêu nhưng hơi buồn là “chân phụ”, nơi
tôi biết rằng trẻ em không phải do cò mang về mà do những đôi tình nhân
tạo ra, đấy là khi họ làm những việc kinh khủng, bị nhà thờ coi là tội
lỗi. Đấy là trường San Miguel và nhà hát Varieties, nơi lần đấu tiên tôi
thấy vở kịch ngắn của mình được đưa lên sân khấu. Đấy là ngã tư phố Diego Ferré và Colón ở khu Miraflores của Lima
– chúng tôi gọi là Khu sung sướng – nơi tôi chuyển từ quần đùi sang
quần dài, nơi tôi hút điếu thuốc đầu tiên, nơi tôi học nhảy, yêu và mở
lòng mình với các cô gái. Đấy là một thành phố đầy bụi, với toà soạn báo
La Crónica lúc nào cũng sôi lên sùng sục, nơi, khi mới mười sáu tuổi
tôi đã cầm trong tay phương tiện chiến đấu đầu tiên của mình. Đấy là
ngày tôi đã trở thành một nhà báo, một nghề, cùng với văn chương đã đi
cùng tôi hầu như suốt cuộc đời, và cũng như những cuốn sách, đã làm cho
tôi sống trọn vẹn hơn, hiểu biết thế giới kĩ lưỡng hơn, tạo điều kiện
cho tôi gặp gỡ cả đàn ông lẫn đàn bà trên khắp thế giới và thuộc mọi
giai cấp, tuyệt vời có, tốt có, xấu có, kinh khủng cũng có. Đấy là học
viện quân sự mang tên Leoncio Prado, ở đấy tôi biết rằng Peru, nơi tôi
có cuộc sống tù túng và an toàn, không phải là một tiền đồn nhỏ bé của
giai cấp trung lưu mà là một đất nước to lớn, xưa cũ, đấy chia rẽ và bất
công, đang bị rúng động bởi những nhiễu loạn xã hội. Đấy là những nhóm
bí mật của tổ chức Cahuide - với một ít sinh viên của trường San Marcos – nơi chúng tôi chuẩn bị làm cách mạng thế giới. Peru
còn là những người bạn của tôi trong Phong trào Tự do, suốt ba năm
ròng, giữa tiếng bom đạn, trong đêm tối vì bị cắt điện và những vụ giết
người vì động cơ chính trị, chúng tôi đã cùng với họ chiến đấu nhằm bảo
vệ nền dân chủ và văn hoá của tự do.
Peru
là Patricia, cô em họ tôi, với cái mũi hếch và tình tình ương ngạnh mà
tôi cưới được cách đây bốn mươi lăm năm: đến tận bây giờ mà bà ấy vẫn
còn chấp nhận được thói điên điên khùng khùng và những cơn phẫn nộ giúp
tôi đủ sức cầm bút. Không có bà, cuộc đời tôi đã tan rã trong những cuộc
động loạn từ rất lâu rồi, và tôi cũng đã chẳng có Alvaro, Gonzalo,
Morgana và sáu đứa cháu như bây giờ. Chúng đã làm cho cuộc đời của chúng
tôi dài thêm và vui vẻ hơn rất nhiều. Bà đã làm tất cả mọi việc và việc
gì bà cũng làm tốt. Bà giải quyết mọi vấn đề, bà quản lí gia đình, xếp
đặt lại trật tự, không cho các nhà báo và những người lắm chuyện đến
gần, bà bảo vệ thời gian cho tôi, bà quyết định những buổi gặp gỡ và
những chuyến đi, sắp xếp va li, bà là người rộng lượng đến nỗi ngay cả
khi trách cứ bà cũng vẫn khen tôi: “Mario, anh chỉ chỉ viết là giỏi
thôi!”
Nhưng
xin quay trở lại với văn chương. Thiên đường tuổi thơ của tôi không
phải là những huyền thoại trong sách vở mà là hiện thực mà tôi đã sống
và đã được tận hưởng trong một ngôi nhà lớn có đến ba cái sân của gia
đình ở Cochabamba, nơi tôi cùng với những người anh em họ và lũ bạn học
bắt chước các nhân vật trong truyện Tarzan và Salgari, và trong huyện
Piura, với những chú dơi làm tổ trên gác xép, đấy là những cái bóng câm
lặng làm cho những đêm hè đầy sao của vùng đất nóng nực này càng thêm
huyền bí. Trong những năm tháng đó, viết là một trò chơi được gia đình
tôi khuyến khích, là công việc hấp dẫn, mang lại cho tôi – trong vai một
đứa cháu, một đứa con mồ côi cha vì cha tôi đã mất và đã lên thiên
đường rồi - những tràng pháo
tay. Cha tôi là một người cao lớn, đẹp trai, ảnh chụp khi ông mặc quân
phục hải quân là vật trang trí không thể thiếu trên cái bàn nhỏ trong
phòng ngủ của tôi: bao giờ tôi cũng cầu nguyện và hôn những bức ảnh này
trước khi đi ngủ. Một buổi sáng nọ, khi còn ở Piura,
mẹ tôi thú nhận rằng người đàn ông trong ảnh thực ra vẫn còn sống – tôi
nghĩ là hiện nay vết thương lòng của tôi vẫn chưa khỏi hẳn. Và ngày hôm
đó chúng tôi phải đến Lima
để sống cùng với ông. Lúc đó tôi vừa tròn mười một tuổi và mọi chuyện
thay đổi từ đấy. Tôi đánh mất tính ngây thơ và biết thế nào là nỗi cô
đơn, uy quyền, cuộc sống của người lớn và nỗi sợ hãi. Đọc là sự cứu rỗi
của tôi, đọc những cuốn sách hay, trốn vào những thế giới nơi có cuộc
đời huy hoàng, đầy ắp các sự kiện, hết cuộc phiêu lưu này đến cuộc phiêu
lưu khác, đấy là nơi tôi lại cảm thấy được tự do và hạnh phúc. Và tôi
viết, viết một cách bí mật, như thể đang làm một công việc xấu xa không
thể nói thành lời, như thể đang theo đuổi một niềm đam mê bị xã hội cấm
đoán vậy. Văn chương không còn là trò chơi nữa. Nó đã trở thành phương
tiện nhằm chống lại nghịch cảnh, phương tiện phản kháng, bạo loạn,
phương tiện giúp tôi chạy trốn khỏi những điều không thể chịu đựng nổi,
trở thành ý nghĩa của cuộc đời. Từ đó đến nay, mỗi khi ngã lòng hay cảm
thấy chán nản, cảm thấy tuyệt vọng, tôi đều lao vào công việc của một
người viết truyện, đấy là ánh sáng cuối đường hầm của tôi, là tấm ván
giúp người thuỷ thủ trên chiếc tàu đắm bơi được đến bờ.
Mặc dù đấy là công việc cực kì khó khăn, làm tôi đổ
mồ hôi sôi nước mắt, và cũng như tất cả các nhà văn khác, đôi khi tôi
cảm thấy mình sắp bị tê liệt, bị khô kiệt trí tưởng tượng, thì không có
gì lí thú như những năm tháng xây dựng cốt truyện, từ những khởi đầu
không lấy gì làm chắc chắn, từ cái kho hình ảnh lưu giữ những trải
nghiệm trong cuộc đời, những trải nghiệm trở thành sống động, thành giấc
mơ giữa ban ngày, tạo ra cành nhánh cho dự án và thành quyết định biến
đám mây hỗn loạn của ảo ảnh thành câu chuyện. “Viết là một cách sống”,
Flaubert đã nói như thế. Vâng hoàn toàn đúng, một cách sống với những ảo
tưởng và niềm vui và đốm lửa loé sáng trong đầu óc bạn, là sống với
cuộc chiến đấu cùng những từ ngữ cứng đầu cứng cổ trước khi bạn làm chủ
được chúng, là sống với cuộc thám hiểm thế giới rộng lớn tương tự như
người thợ săn đi theo con mồi để có thể nuôi dưỡng ý tưởng vừa mới hình
thành và chinh phục sự ham muốn quá độ của mỗi câu chuyện vì khi phát
triển, mỗi câu chuyện này đều muốn ăn tươi nuốt sống tất cả những câu
chuyện khác. Khi vừa cảm thấy sự mất thăng bằng do việc thai nghén tác
phẩm tạo ra và sau đó, khi tác phẩm đã có hình hài và dường như có thể
bắt đầu sống bằng cuộc sống của mình, với các nhân vật có thể đi lại,
hành động, suy nghĩ, cảm giác và đòi phải được tôn trọng, những nhân vật
mà ta không còn có thể áp đặt một cách tuỳ tiện các hành vi được nữa
hoặc tước bỏ quyền tự do của chúng nếu không giết chết chúng, không làm
cho câu chuyện mất tính thuyết phục – hôm nay trải nghiệm này tiếp tục
làm tôi mê mẩn như thuở ban đầu, vẫn tròn đầy và vẫn ngây ngất như thể
bạn đang làm tình với người đàn bà yêu dấu suốt ngày, suốt tuần, suốt
tháng không nghỉ vậy.
Nói
về văn chương, tôi đã dành nhiều thời gian cho tiểu thuyết mà nói quá
ít về kịch nghệ, một hình thức quan trọng khác của nó. Như thế là rất
không công bằng, dĩ nhiên rồi. Kịch là mối tình đầu của tôi, tình yêu đó
hình thành trong tôi ngay từ khi mới lớn, từ khi tôi được xem vở Cái chết của người bán hàng
của Arthur Miller ở nhà hát Segura ở Lima, một vở diễn đã để lại trong
tôi quá nhiều tình cảm và thúc đẩy tôi viết một vở kịch về người Inca.
Nếu trong những năm 1950 ở Lima
mà có một phong trào kịch nghệ thì tôi có lẽ đã trở thành người soạn
kịch chứ không trở thành tiểu thuyết gia như bây giờ. Không có một phong
trào như thế và điều đó chắc chắn đã đẩy tôi ngày càng đi xa hơn vào
con đường sáng tác văn xuôi. Nhưng tình cảm của tôi với nhà hát vẫn
không bao giờ chấm dứt: nó vẫn thiu thiu ngủ, vẫn ẩn mình trong cái bóng
của những cuốn tiểu thuyết của tôi, tương tự như sự cám dỗ và lòng hoài
niệm mỗi khi tôi được xem một vở kịch làm mê hoặc lòng người. Cuối
những năm 1970, khi kỉ niệm về một bà bác họ sống đến một trăm tuổi,
những năm cuối đời bà đã cắt đứt tất cả các mối liên hệ với thế giới
xung quanh để có thể an trú vào những kỉ niệm và trí tưởng tượng của
chính mình, đã thúc đẩy tôi viết lại câu chuyện này. Tôi cảm thấy rằng
đây là một câu chuyện dành cho nhà hát, rằng chỉ có sân khấu mới có thể
thể hiện được hết sinh khí và sự lộng lẫy của những hình tượng rất thành
công này mà thôi. Tôi viết vở kịch này với cảm giác hồi hộp của một
người mới vào nghề và sau đó đã rất vui khi được xem Norma Aleandro đóng
vai nhân vật chính trong vở kịch này đến nỗi tôi đã quay lại thể loại
này vài lần, đấy là những quãng ngắt giữa những cuốn tiểu thuyết và
truyện ngắn của tôi. Tôi phải nói thêm: tôi không bao giờ nghĩ rằng ở
tuổi bảy mươi mình lại bước lên sân khấu (tôi sẽ vấp ngã mất thôi) và
diễn như một diễn viên. Một cuộc phiêu lưu táo bạo như thế sẽ cho tôi
lần đầu tiên cảm thấy bằng da bằng thịt điều kì diệu đối với một người
suốt đời viết những câu chuyện hư cấu về con người được tái hiện trong
một vài giờ nhân vật tưởng tượng, được sống cuộc đời hư cấu trước mặt
khán giả. Tôi không thể nào nói hết được lòng biết ơn của tôi với những
người bạn tốt, với đạo diễn Joan Ollé và nữ diễn viên Aitana Sánchez
Gijón, những người đã động viên để tôi được chia sẻ với họ trải nghiệm
không thể nào tưởng tượng nổi này (mặc dù lúc đó tôi rất run).
Văn
chương là hình ảnh không thật về cuộc đời, nhưng nó lại giúp ta hiểu
cuộc đời một cách tốt hơn, giúp ta định hướng trong cái mê hồn trận nơi
ta ra đời, ta đi qua và chết. Nó bù đắp những nghịch cảnh và thất vọng
mà cuộc đời thực giáng xuống đầu ta, nhờ văn chương mà chúng ta có thể
giải mã được - ít nhất là phần nào - cái bí ấn mà tuyệt đại đa số vẫn
mường tượng mỗi khi nghĩ vể cuộc sinh tồn của chúng ta, trước hết là đối
với những người cảm luôn thấy nghi ngờ nhiều hơn là tin tưởng, những
người công nhận rằng chúng cảm thấy bối rối trước những câu hỏi như sự
siêu nghiệm, số phận của cá nhân và của cả cộng đồng, tâm hồn, lịch sử
có ý nghĩa hay là chẳng có ý nghĩa gì, kiến thức có ích hay có hại.
Mỗi khi tưởng tượng cái hoàn cảnh chẳng lấy gì làm chắc chắn của tổ tiên chúng ta là bao giờ tôi cũng cảm thấy bàng hoàng - chẳng
khác giống vật là bao, ngôn ngữ giúp họ giao tiếp với nhau vừa mới hình
thành – họ ngồi trong hang đá, xung quanh những đống lửa, giữa đêm đen
với những ánh chớp, tiếng sét và tiếng gầm rú đầy đe dọa của các loài
mãnh thú – họ bắt đầu nghĩ ra và kể cho nhau nghe những câu chuyện. Đấy
là giây phút có tính quyết định trong số phận của chúng ta vì nền văn
minh bắt đầu từ những người bán khai được giọng nói và trí tưởng tượng
của những người kể chuyện tụ tập thành các nhóm như thế - con đường đưa
chúng ta tiến dần thành người và dẫn chúng ta tới ý tưởng về sự độc lập
của các cá nhân, sau đó là tách cá nhân ra khỏi bộ lạc, phát minh ra
khoa học, nghệ thuật, luật pháp, quyền tự do, và nghiên cứu những tầng
sâu kín nhất của thiên nhiên, của cơ thể con người, của vũ trụ và bay
lên tận các vì sao là con đường rất dài. Đối với các thính giả đang cảm
thấy hỏang sợ trước những bí mật và hiểm họa của cái thế giới mà mọi thứ
đều xa lạ và nguy hiểm thì những câu chuyện cổ tích, truyện ngụ ngôn,
huyền thọai và truyền thuyết đó nghe chẳng khác gì một khúc nhạc mới,
chắc chắn nó đã là dòng nước mát, là hồ nước tĩnh lặng dành cho những
tâm hồn luôn luôn cảnh giác, những người mà tồn tại đơn thuần chỉ là ăn,
tìm trỗ trú ẩn, giết và làm tình. Từ đó, nhờ sự thúc đẩy của những
người kể chuyện, người ta bắt đầu cùng nhau mơ ước, chia sẻ với nhau
những giấc mơ, họ không còn bị trói buộc vào những công việc tẻ nhạt chỉ
nhằm duy trì cuộc sống, không còn bị trói buộc vào vòng xóay của những
nhiệm vụ chỉ làm con người ngày càng trở thành hung bạo hơn nữa. Cuộc
đời họ đã trở thành một giấc mơ, thành niềm vui, thành trí tưởng tượng
và dự định mang tính cách mạng: phá bỏ các giới hạn, thay đổi và cải
tiến, đấu tranh nhằm đáp ứng các nhu cầu và tham vọng đang sục sôi trong
cuộc đời mà họ mường tượng và trí tò mò, ước muốn mở toang những bí ẩn
còn vây xung quanh họ.
Cái
quá trình không bao giờ bị gián đoạn này lại được chữ viết làm cho
phong phú thêm và những câu chuyện, bây giờ không chỉ được nghe mà còn
được đọc, trở thành văn chương, nghĩa là trở thành vĩnh cửu. Đấy là lí
do vì sao phải nhắc đi nhắc lại cho đến khi thế hệ mới nhận thức được
điều đó: văn chương không chỉ là giải trí, không chỉ là bài tập của trí
não, nhằm mài sắc cảm giác và đánh thức tinh thần phê phán. Nó là thành
tố tuyệt đối cần thiết cho chính sự tồn tại của nền văn minh, nó tái tạo
và giữ lại những đặc điểm tuyệt vời nhất của giống người trong mỗi
chúng ta. Để chúng ta không rơi trở lại tình trạng dã man của sự cách li
và cuộc đời không bị rút xuống thành chủ nghĩa thực dụng của các chuyên
gia, tức là những người nhìn thấu suốt sự vật nhưng lại bỏ qua những
thứ xung quanh, những thứ có trước và những thứ đến sau các sự vật đó.
Để chúng ta - sau khi phát minh ra máy móc phục vụ chúng ta - không biến
thành những đầy tớ và nô lệ cho những cỗ máy đó. Và vì thế giới không
có văn chương là thế giới không có khát vọng, không có lí tưởng hay thế
giới của sự bất kính, thế giới của những người máy bị tước đoạt tất cả
những gì làm nên con người: khả năng đặt mình vào vị trí của người khác,
vào vị trí của những người khác. Đấy chính là khả năng được sinh ra từ
những giấc mơ của chúng ta.
Từ
hang đá đến tòa nhà chọc trời, từ cây gậy đến vũ khí giết người hàng
loạt, từ cuộc sống đơn điệu của bộ lạc đến kỉ nguyên toàn cầu hóa, văn
chương đã làm cho trải nghiệm của con người gia tăng gấp bội, ngăn chặn,
không để cho chúng ta rơi vào trạng thái thờ ơ, bàng quan và nhẫn nhục.
Chẳng có gì có thể gieo rắc được nhiều băn khoăn, chẳng có gì có thể
làm rối loạn trí tưởng tượng và khát vọng của chúng ta như là cuộc đời
của những điều bịa đặt mà chúng ta, nhờ có văn chương, đã gán ghép thêm
vào cuộc đời thực mà chúng ta đang sống, để chúng ta có thể trở thành
vai chính trong những cuộc phiêu lưu vĩ đại, trong những đam mê mà cuộc
đời thực không thể ban cho chúng ta. Thông qua chúng ta, những điều bịa
đặt trong văn chương lại trở thành sự thật, chúng ta là những độc giả đã
được chuyển hóa, đã bị nhiễm những khát vọng, và qua những điều bịa đặt
của văn chương mà luôn nghi ngờ cái hiện thực màu xám của cuộc đời. Văn
chương trở thành phép màu khi nó tặng cho ta hi vọng sở hữu cái mà
chúng ta không có, thành người mà chúng ta không là, sống cuộc đời chưa
ai từng sống, trong đó, cũng giống như các vị thần của người ngoại đạo,
chúng ta cảm thấy mình vừa là những kẻ hữu sinh hữu tử, lại vừa trường
sinh bất lão, nó đưa vào tâm hồn chúng ta tinh thần phản kháng, không
chấp nhận gió chiều nào che chiều ấy, đấy là nền tảng của tất cả những
sự nghiệp anh hùng góp phần vào việc làm giảm nhẹ tính chất thô bạo
trong quan hệ giữa người với người. Chỉ giảm chứ không thể nào chấm dứt
được vì đáng tiếc là ý chí của chúng ta là một câu chuyện không có hồi
kết. Đấy là lí do vì sao chúng ta phải tiếp tục ước mơ, tiếp tục đọc và
tiếp tục viết – đấy là biện pháp tốt nhất giúp làm nhẹ bớt gánh nặng của
cuộc đời hữu sinh hữu tử của chúng ta, giúp chiến thắng sự gậm nhấm của
thời gian và biến cái không thể trở thành có thể./.
Nguồn:
Có tham khảo bản dịch tiếng Nga tại địa chỉ:
0 nhận xét:
Đăng nhận xét