Thứ Năm, 7 tháng 11, 2013
Tư tưởng đạo đức - nhân sinh:
10:58
Hoàng Phong Nhã
No comments
Tư tưởng đạo đức - nhân sinh: 1 - Triết lý của Socrates
Socrates(470-399 trước CN) là
một trong những tư tưởng gia Hy Lạp cổ đại đầu tiên kêu gọi giới học giả
và các nhà lãnh đạo quốc gia đương thời, những người quá chú tâm đến
các công trình nghiên cứu thế giới tự nhiên, nên quan tâm nhiều hơn đến
bản chất của con người.
Đối với Socrates, con người là đối tượng
đáng được quan tâm hơn cả và bất cứ điều gì ảnh hưởng đến con người đều
có tầm quan trọng quyết định. Tri thức về thế giới tự nhiên bên ngoài
(vũ trụ học-cosmology), nếu không có ý nghĩa thiết thực đối với cuộc
sống con người, chỉ có tầm quan trọng thứ yếu. Mọi tri thức có liên quan
đến bản chất và cuộc sống của con người đều đáng được sở hữu và cần
phải được tích luỹ. Hơn nữa, theo cách nói của Socrates, “cuộc sống vô
minh (the unexamined life) thì không đáng để sống.”
Tự biết mình
Tự biết mình, hoàn toàn biết rõ bản chất
ý thức lẫn vô thức của chính mình, là động cơ tạo nên năng lực, sự tiết
độ và thành đạt. Các cá nhân gặp phải khó khăn trong đời phần lớn bởi
vì họ không thực sự hiểu biết được sự hiểu được bản chất, khả năng, giới
hạn, động cơ-toàn bộ cung bậc tính cách của chính họ. Thực chất, họ cần
đến một tấm gương "tâm lý" có khả năng giúp họ nhận ra bản ngã của
chính mình, bao gồm toàn bộ ưu khuyết điểm và tiềm năng thực tế của họ.
Một người thực sự tự biết mình sẽ đạt
được thành công trong cuộc sống, bởi lẽ anh ta biết chính xác những gì
nằm trong khả năng của mình cũng như cách thức vận dụng chúng. Ngược
lại, một người không tự biết mình sẽ tiếp tục vấp ngã, thậm chí đi đến
những huỷ hoại cả cuộc đời.
Hầu hết mọi người đều cho rằng tự biết
rõ chính mình, rằng “không ai gần gũi ta hơn chính bản thân bản thân
ta.” Tuy nhiên, tự tin không có nghĩa là tự biết mình. Thực ra, một
người khôn ngoan và từng trải có thể "biết " về bạn nhiều hơn chính bạn
đấy! Socrates đã đặt ra câu hỏi: “ Phải chăng bạn cho rằng bạn tự biết
mình, đơn giản chỉ vì bạn sở hữu cái tên của mình?”. Ông cũng chỉ ra
rằng, nếu chỉ muốn biết về con ngựa, chúng ta phải nắm được tuổi đời ,
sức vóc và tình trạng sức khoẻ của nó, từ đó mới có thể xác định được
mức độ nhanh nhẹn và khả năng làm việc của nó. Nguyên lý này cũng áp
dụng đúng với con người để hiểu chính mình, con người trên cõi đời. Quá
trình tìm hiểu bản thân đòi hỏi không ít nỗ lực. Nói cho cùng, tự biết
mình là mọt lẽ thiện trong đời.
Đức hạnh là tri thức
Đối với Socrates, bất cứ ai biết điều gì
là đúng đắn tất sẽ thực hiện điều đó. Hành vi sai trái chỉ xuất phát từ
sự vô minh. Một người có hành động không đúng bởi vì, và chỉ vì, anh ta
không biết cái gì là đúng đắn. Không có một người tỉnh táo và lành mạnh
nào lại chủ tâm làm tổn hại bản thân mình. Nếu anh ta thực sự làm một
điều như vậy, đơn giản chỉ vì phạm phải sai lầm nào đó trong quá trình
hành động, hoàn toàn không phải do cố ý. Không ai chủ định chọn lựa điều
sai trái, bởi lẽ hành vị tội lỗi luôn mang đến tai hoạ cho bản thân họ
và người khác.
Nếu thấu hiểu hậu quả thực sự của trộm
cắp, dối trá, lừa đảo, thù hằn và các hành vi tội lỗi khác; nếu biết
được chúng sẽ gây tổn hại như thế nào cho bản thân họ, chẳng hạn như sự
sa đoạ về mặt tinh thần và sự thoái hoá về mặt nhân cách, chắc chắn con
người sẽ tự giác né tránh chúng. Thiếu nhận thức đúng đắn chính là lý do
duy nhất khiến một số người không thể kiềm chế được chính mình trước
những cám dỗ tội lỗi; bởi lẽ bất cứ người nào biết điều gì là đúng đắn
tất sẽ thực hiện điều đó.
Đức hạnh là hạnh phúc
Theo Socrates, đức hạnh không chỉ là tri
thức, bản thân nó cũng đồng nghĩa với hạnh phúc. Bởi lẽ, hành vi đạo
đức cũng chính là hành vi mang đến những điều tốt đẹp cho người thực
hiện nó. Hạnh phúc kết thành quả từ đó.
S.T
Tư tưởng đạo đức - nhân sinh: 2 - Triết lý của Aristole
Aristotle (384-322 trước CN) đã
phát triển một hệ thống tư tưởng đạo đức học có thể được gọi là "Thuyệt
tự phát triển nhận thức" (Self-Realizationism).
Nó được hình thành trên quan niệm cho
rằng cuộc sống tốt đẹp (hay hạnh phúc) là kết quả của sự phát triển toàn
mãn năng lực, thiên tư và nhân cách của một con người. Trong quá trình
đó, cá nhân phải chuyển toàn bộ tiềm năng của mình thành những giá trị
thực.
Một đưa bé sơ sinh chưa phải là con
người, chỉ là một cá nhân tiềm tàng. Để trở thành một con người thực sự,
tiềm năng của nó phải được “nhận thức và phát triển.” Thí dụ: Đứa bé ấy
có thể tiềm ẩn khả năng cảm nhận âm nhạc như Beethoven, nhưng nếu không
nhận thức được tài năng của mình hoặc không có cơ hội phát huy tài năng
ấy, nó vẫn chỉ là một "nhạc sĩ tiềm tàng" cho đến khi phát hiện ra
thiên tư và hoàn thiện kỹ năng âm nhạc của mình.
Theo Aristotle, mục đích chính đáng nhất
của con người trong đời là nhận thức bản chất thực sự (hoặc nhân cách)
của mình một cách toàn diện, là phát triển các tiềm năng cuả mình đến độ
viên mãn và từ đó, tự hoàn thiện chính mình. Một cá nhân không thực
hiện được điều này sẽ luôn dằn vặt, tự bất mãn với chính mình hậu quả
của những thất bại trong đời. Sự suy sụp tính thần ấy bộc lộ rõ ràng qua
các biểu hiện buồn chán, đau khổ- những dấu hiệu của một cuộc sống bất
hạnh. Ngược lại, người nào nhận thức và phát huy được bản chất cũng như
năng lực tiềm ẩn của mình sẽ có được cuộc sống thoả nguyện- một đời sống
hạnh phúc.
Thiên nhiên chẳng hành sự vô ích
Aristotle tin tưởng sâu sắc rằng “Thiên
nhiên chẳng hành sự vô ích.” Trong thiên nhiên, vạn vật và mọi sự đều có
nguyên nhân cũng như mục đích tồn tại của nó. Con người sinh ra ở đời
có mục đích tự nhiên riêng, có chức năng và mục tiêu riêng của họ. Các
tạo vật thiên nhiên hoàn tất được mục đích của chúng trong đời sẽ mang
đến cái đẹp, sự thoả nguyện và hạnh phúc.
Hãy so sánh con người với một hạt giống.
Khởi đầu như một mần sống- một “đoá hoa tiềm tàng”, hạt giống bán rễ
vào đất, đầm chồi, lớn thành cây rồi nảy hoa kết quả. Nó phải trải qua
một quá trình phát triển trước khi đạt đến sự hoàn chỉnh, sự thăng hoa
và thành tựu viên mãn giá trị của một đời. Tương tự như thế, con người
mới sinh ra đời chỉ là một tổ hợp của nhiều tính cách và năng lực tiềm
ẩn. Trong điều kiện thích hợp và với nỗ lực thích hợp, anh ta có thể
phát huy tài năng của mình - trở thành một tạo vật hoàn mỹ, một con
người hạnh phúc và thành tựu viên mãn một cuộc đời.
Hạnh phúc - Lẽ chí thiện tận mỹ
Con người, như Aristotle khẳng định,
theo đuổi rất nhiều mục tiêu trong đời, nhưng mục đích tối hậu mà anh ta
mưu cầu suốt một đời chính là Hạnh Phúc. Tất cả mục tiêu khác chỉ là
phương tiện để đạt đến hạnh phúc, dạng mục đích luôn được khao khát
thành tựu lấy chính nó. Thí dụ: Tiền bạc chỉ là phương tiện, không phải
là mục đích tối hậu. Nó là loại vật dụng cho phép sở hữu chủ mua sắm
những vật dụng khác, góp phần vào cuộc sống hạnh phúc cá nhân của anh
ta. Tương tự như vậy, công việc hàng ngày, đời sống hôn nhân, các hoạt
động xã hội và các dạng tài sản khác là những nguồn nuôi dượng hạnh phúc
của một con người. Mưu cầu hạnh phúc mang đến mục đích và ý nghĩa cho
cuộc sống. Thực tế, nếu một cá nhân bị tước đoạt cơ hội vươn đến hạnh
phúc, mối quan tâm của anh ta dành cho cuộc sống, cũng như ước muốn tiếp
tục tồn tại trong đời, sẽ chấm dứt.
Con đường vươn đến hạnh phúc
Theo Aristotle, sự thành tựu hạnh phúc
tuỳ thuộc hoàn toàn vào quá trình phát huy tiềm năng và thiên tư của mỗi
cá nhân. Tiến trình nhận thức ấy mang đến đời sống hạnh phúc. Hơn nữa,
một viễn cảnh hạnh phúc sáng lạn hơn. Ngược lại, khi tiềm năng bản thân
bị bỏ phế, ngủ quên và thui chột đi, cá nhân sẽ không tránh khỏi một đời
sống tự dằn vặt, khổ đau và suy sụp. Theo Aristotle, Thượng Đế sáng tạo
ra con người có mục đích. Không nhận thức ra được mục đích của mình,
con người sẽ không bao giờ cảm thấy thoả mãn với cuộc đời; nhận thức và
thực hiện được mục đích ấy, con người mới tìm thấy sự thoả nguyện, hạnh
phúc và cái đẹp của cuộc sống.
Hình thức tối cao của hạnh phúc
Như đã trình bày ở trên, Aristotle đồng
nhất cuộc sống "chí thiện tận mỹ" (the summun bonum) với hạnh phúc; hạnh
phúc vươn đến chỗ siêu việt khi con người nhận thức ra được bản chất
tối thượng của chính mình. Bản chất tối thượng ấy được tìm thấy trong
lãnh vực tâm hồn, ở khía cạnh tinh thần của cuộc sống- khía cạnh riêng
biệt của giống người. Hoạt động viên mãn của tư tưởng (ở các lĩnh vực
khoa học, triết học, nghệ thuật, tôn giáo, v.v... ) chính là nguồn gốc
phát sinh ra niềm hạnh phúc tối thượng. Năng lực tối cao của trí tuệ con
người là tư duy, vì thế suy tư chiêm nghiệm chính là nguồn hoan lạc lớn
nhất của con người.
Ba dạng bản chất của con người
Aristotle khẳng định rằng có 3 dạng bản
chất tồn tại đồng thời trong mỗi con người: bản chất thực vật (thể
chất), bản chất động vật (cảm tính) và bản chất lý trí (nhân tính). Cả
ba dạng này cần phải được thành tựu một cách viên mãn. Hơn nữa, quá
trình nhận thức và thành tựu mỗi dạng bản chất sẽ mang đến một niềm hạnh
phúc riêng.
Xét bản chất thực vật, sức khoẻ tốt mang
đến một cảm giác an lành, thư thái. Nó cần được duy trì bằng các hoạt
động thể dục phù hợp, kết hợp với sự quan tâm thích đáng dành cho thân
thể và sức khoẻ của bản thân. Bản chất động vật của con người đòi hỏi sự
thoả mãn trong các lạc thú thuộc về bản năng như: ăn ngon miệng, nghe
êm tai, ngủ đẫy giấc, v.v... Tuy nhiên, chỉ khi thành tựu bản chất lý
trí, phát huy toàn mãn tiềm năng trí tuệ thông qua các hoạt động tư duy,
con người mới đạt đến niềm hạnh phúc tối thượng.
Vì thế, một cuộc sống thư thái có ý vị
siêu việt hơn so với kinh nghiệm thể chất và cảm tính; cuộc sống trí tuệ
là cuộc sống mang tính nhân bản hơn cả. Đó là cuộc sống quan tâm và
cống hiến cho âm nhạc, hội hoạ, kịch nghê, mỹ thuật, triết học, văn
chương, khoa học, chính trị, xã hội, tôn giáo, v.v...- tất cả những lãnh
vực trí tuệ khác thuộc về hoan lạc riêng biệt của giống người, hoàn
toàn nằm ngoài khả năng nhận thức của các tạo vật khác trong thiên
nhiên.
Tiết độ trong mọi sự
Aristotle đồng hóa cung cách ứng xử có
lý trí với đức hạnh. Ông định nghĩa đức hạnh như là thói quen tiết
độ-nói cách khác, đức hạnh là thói quen tránh xa các hình thức ứng xử
thái quá. Cực đoan thì luôn sai trái, trong khi đức hạnh là thái độ
trung hoà giữa hai thái cực.
Thí dụ: Can đảm là đức tính trung hoà
giữa hai thái cực: hèn nhát và liều lĩnh. Ở một thái cự, kẻ hèn nhát
thiều dũng khí. Ở thái cực còn lại, kẻ liều lĩnh vượt qua giới hạn an
toàn của hành động có tính “đảm lược”, trở thành nạn nhân của sự dại dột
và tính ương bướng nơi mình.
Người đức độ là người thực hiện các hành
vi đức hạnh trong cuộc sống hàng ngày, không chỉ một vài tính huống mà
thể hiện liên tục và thường xuyên như một thói quen trong đời-đức độ trở
thành một nếp sống, một tính cách của anh ta. Ngược lại, tính cách
“trái đạo đức” là hậu quả của sự vi phạm liên tục và thường xuyên các
cung cách ứng xử sai trái.
Đức hạnh
Đức hạnh bao gồm nhiều đức tính khác
nhau; mỗi đức tính đại diện cho thái độ trung hoà giữa hai thái cực có
liên quan. Aristotle đã liệt kê 12 đức tính quan trọng cùng với các dạng
tính cách thái quá có liên quan với chúng.
Hành vi đúng đắn
Con người được sinh ra, theo Aristotle,
không chỉ sống để tồn tại, mà để sống một cuộc đời tốt đẹp-tuân thủ
những nguyên tắc do lý trí của chính mình tạo ra, tuân theo bản chất tối
thượng của mình. Hành vi cá nhân cần được kiểm soát bởi các nguyên tắc
đạo đức, sự tiết độ và né tránh mọi hình thức thái quá hay bất cập. Điều
này đòi hỏi anh ta phải xác định hành vi đúng đắn cho từng tình huống
cụ thể. Đó không phải là một công việc dễ dàng, bởi lẽ mực thước và đức
độ có nghĩa là làm đúng việc, liên hệ đúng người, đúng nơi, đúng lúc,
đúng mức, đúng cách và phục vụ cho mục đích đúng đắn. Thí dụ: Bố thí vốn
là một công việc đơn giản. Nhưng xét về mặt đức hạnh, người bố thí phải
ban phát đúng người, đúng thời điểm, đúng mục đích, với một lượng thích
đáng, với cung cách đúng mực. Bố thí, xét trên phương diện đạo đức, là
hành vi xuất phát từ thiện tâm.
S.T
Chủ
nghĩa Khoái lạc (Hedonism) là hệ thống triết lý đề cao việc mưu cầu lạc
thú và tránh né khổ đau như là mục đích chủ yếu trong cuộc sống.
Con người chỉ có một nghĩa vụ đạo đức
duy nhất là thoả mãn nỗi khát khao khoái lạc và loại bỏ, hay chí ít giảm
thiểu trong khả năng có thể, mọi nỗi khổ đau của mình trong đời.
Có nhiều trường phái tư tưởng khoái lạc;
một số cổ xuý cho các khoái cảm nhất thời, số khác bàn đến cả lạc thú
tinh thần. Trong số đó, trường phái vị kỷ (The Egoistic school) đề cao
sự thoả nguyện tối đa cho bản thân, bất kể đến việc gây ra hậu quả đau
khổ cho người khác. Tuy nhiên, những người theo trường phái vị lợi lý
tưởng (the Ideal Utilitarians) chỉ chấp nhận những lạc thú mà mọi cá
nhân đều được phép hưởng thụ, cho đó là mục tiêu khả dĩ mang đến lợi ích
tối đa cho nhân loại.
1. Trường phái Cyrenaic
Trường phái khoái lạc này do Aritippus
(435-356 trước CN) sáng lập, đề cao việc tận hưởng lạc thú nhất thời như
là mục đích chính yếu trong đời. “Hãy ăn uống và vui thú, bởi vì rồi
mai đây chúng ta sẽ chết.” Trường phái này quan niệm rằng nên tận hưởng
mọi thú vui và khoái cảm hiện có; nếu không, cơ hội hưởng thụ những kinh
nghiệm như thế sẽ trôi qua và không bao giờ trở lại. Những người theo
trường phái này chẳng hề quan tâm đến cuộc sống tương lai, chỉ chú tâm
đến những lạc thú ở thời điểm hiện tại. Họ cũng nhấn mạnh rằng, bởi vì
lạc thú chỉ mang đến điều tốt đẹp, mỗi cá nhân nên tận dụng mọi cơ hội
có thể để hưởng thụ chúng.
2.Trường phái của Epicurus
Epicurus (341-270 trước CN)
bất đồng với trường phái Cyrenaic về sự chấp nhận không phân biệt mọi
lạc thú trong đời, bởi lẽ ông biết rằng có rất nhiều người thú vui tai
hại và vì thế chúng cần được tránh xa. Đa số những người tuân thủ triết
lý “ăn, uống và tận hưởng lạc thú, bởi vì rồi mai đây chúng ta sẽ chết”
đều không chết ngay vào thời điểm “mai đây.” Họ vẫn tiếp tục sống để
hứng chịu hậu quả tai hại của cuộc sống sa đoạ trong thú vui vô độ.
Theo Epicurus, người ta cần phải phân
biệt và chọn lựa thú vui để hưởng thụ. Bởi lẽ các lạc thú không phải đều
có giá trị và hậu quả như nhau, vì thế chúng không xứng đáng để được
hưởng thụ như nhau. Nói cách khác, một số khoái cảm cần được loại trừ
hoàn toàn , trong khi một số kinh nghiệm đau khổ lại cần được cam chịu
vì lợi ích tương lai. Thí dụ: Một bệnh nhân cần phải uống thuốc đắng,
hoặc trải qua một số cuộc phẫu thuật, nếu đó là điều cần thiết cho cuộc
sống tương lai.
Khôn ngoan - Lẽ Chân - Thiện - Mỹ trong cuộc đời
Đối với Epicurus, khôn ngoan là điều tốt
đẹp nhất trong cuộc sống. Khôn ngoan là tiêu chuẩn cần thiết để phân
biệt những điều tốt đẹp và những thú vui đáng thụ hưởng. Hơn nữa, không
ngoan cũng có thể thúc đẩy con người vượt qua khổ đau để có được một
tương lai tốt đẹp hơn.
Người sa đà vào cuộc sống hưởng thụ
khoái lạc vô độ có thể chai sạn dần, đánh mất khả năng cảm nhận lạc thú,
thậm chí biến nó thành niềm đau. Ăn mãi một món ăn hợp khẩu vị nào đó
sẽ sinh ra cảm giác ngán sợ, chưa kể đến những tác hại khác đối với sức
khoẻ. Vì thế, tiết độ cần được xem là biểu hiện của sự khôn ngoan khi
một cá nhân đối mặt với cám dỗ của lạc thú.
Đau khổ và cái chết
Epicurus đề cập nhiều đến sự né tránh
đau khổ hơn là bàn đến vấn đề mưu cầu khoái lạc. Ông lập luận rằng bản
thân cuộc sống, về cơ bản, là tốt đẹp mặc dù có sự tồn tại của Khổ đau,
Tật Bệnh và Nỗi Sợ Hãi Cái Chết. Ông nhận định rằng sợ hãi, đặc biệt sợ
hãi cái chết, là nguồn gốc chủ yếu của mọi bất hạnh; rằng chiến thắng
được nỗi sợ hãi sẽ khiến cuộc sống an lạc và "đáng sống" hơn. Để thuyết
phục mọi người gạt bỏ nỗi sợ hãi ấy, Epicurus đưa ra mẫu lập luận
lô-gích dẫn đến "tình trạng bế tắc" như sau: "Chúng ta đang sống, không
có cái chết để sợ. Khi chết đi : Nếu có cuộc sống sau cái chết, chúng ta
không cần quan tâm đến cái chết mang tính hiện tượng ấy. Nếu không có
cái chết, chúng ta sẽ không còn gì để sợ hãi hay lo lắng nữa.Vì thế sợ
chết là điều thực sự không cần thiết trong cuộc đời."
S.T
Theo Epictetus (50-120 sau CN) là triết gia vĩ đại thuộc trường phái Khắc Kỷ (Stoicism).
Triết lý này để cao sự tri túc
(contentment - có nghĩa là biết đủ). Đây là một trong những yếu tố có
giá trị nhất trong cuộc sống. Tri túc đem đến một đời sống lặng lẽ, bình
yên và điềm nhiên, không có gì đáng để bận tâm phiền não. Sự bình an
tâm hồn là điều đáng quý trọng hơn cả. Niềm an lạc ấy được tìm thấy
thông qua sự tự kiềm chế (self - control) hay tự chủ (self - mastery);
đó là khả năng chế ngự lòng ham muốn và làm chủ bản thân, không để mình
buông thả theo dục vọng.
Triết ký này có thể được diễn giải như sau:
Cho phép người khác khuấy động sự quân
bình tâm hồn của bạn là tự đặt bạn vào tình trạng lệ thuộc vào họ, hay
tồi tệ hơn thế - bởi lẽ, bạn đã để cho họ làm chủ tâm trí của mình,
trong khi một kẻ nô lệ thực sự chỉ không thể tự chủ về mặt thể xác mà
thôi. Bất cứ người nào có khả năng khiến bạn phải giận dữ đều trở thành
chủ nhân của bạn chủ nhân của bạn. Thực tế, họ chỉ có thể khiến bạn phải
nổi giận khi bạn cho phép tâm hồn mình bị họ khuấy động.
Nếu có người định biến thể xác của bạn
thành một món hàng, đặt nó dưới quyền áp chế của một ai đó, hẳn là bạn
sẽ rất đau khổ. Nhưng nếu bạn tự đặt sự minh mẫn của mình dưới quyền
khống chế của kẻ khác, khiến nó bị khuấy động và phiền não vì những lời
chỉ trích, bạn không cảm thấy đau buồn và xấu hổ hay sao?
Các đối tượng mà bạn khao khát chính là
những sợi dây phiền não đeo bám và trói buộc đời bạn. Để thoát khỏi vòng
phiền não, bạn cần phải loại bỏ mọi mong cầu và bám víu, từ tham muốn
của cải vật chất cho đến bám víu lấy cuộc sống.
Thí dụ: Nếu ai đó đánh cắp chiếc đồng hồ
đeo tay quý giá của bạn, bạn sẽ thất vọng nếu bạn quá yêu thích và gắn
bó với nó. Nhưng nếu chiếc đồng hồ bị mất cắp là chiếc rẻ tiền hay đã bị
hỏng hóc, bạn sẽ không cảm thấy quá buồn phiền bởi vì nó không còn là
đối tượng mà bạn thực sự ham thích và bán víu.
Bạn cũng có thể giữ được sự bình lặng
tâm hồn khi hiểu thấu được bản chất thực sự của muôn vật trên đời. Thí
dụ: Nếu vô tình đánh vỡ một món đồ trang sức quý giá, bạn hãy tự nhủ
rằng: “Xét cho cùng, nó là món đồ được tạo ra từ vật chất vô thường, tan
vỡ là kết cục tất yếu của nó.” Nếu nhận thức được rằng sữa là thức uống
dễ ôi, bạn sẽ dễ dàng đón nhận sự kiện ấy khi nó xảy đến- chẳng có gợn
sóng nào dậy lên trong lòng bạn.
Điều tương tự cũng áp dụng đúng cho
trường hợp mất mát những người thân trong đời. Nếu đứa con yêu quý của
bạn chết đi, Epictetus kết luận, hay tự nhắc nhở mình rằng đứa bé là một
tạo vật vô thường, có máu thịt và nằm trong vòng sanh diệt. Nếu như
thực sự nhận thức được tính chất giả tạm của cuộc đời bạn có thể tỉnh
táo đón nhận mọi chuyện vui buồn trong kiếp nhân sinh.
Đức kham nhẫn
Triết lý khắc kỷ khuyên chúng ta chấp
nhận những gì không thể đổi khác. Chúng ta học cách sống với nỗi thất
vọng bất khả kháng, học cách chấp nhận mọi sự mất mát không thể văn hồi
và học cách chịu đựng sao cho nỗi khổ đau vơi dần và phai nhoà đi. Hầu
hết mọi khổ đau trên đời đều xuất phát từ lòng người, từ thái độ phủ
nhận “phần đời” của chúng ta trong cuộc sống. Chình vì lẽ đó, khuyết tật
thể chất là một gánh nặng khó lòng chịu đựng nối nếu chúng ta cho phép
nó “đè bẹp” chính mình.
Tuy nhiên, nếu chúng ta chấp nhận nó như
một phần của cuộc sống, nó sẽ trở nên ít phiền toái hơn và “có thể chịu
đựng được”. Thực tế, triết gia khắc kỷ vĩ đại Epicurus đã rút ra được
bài học này từ kinh nghiệm sống của bản thân. Ông vốn là một người nô
lệ, đối tượng thường bị lạm dụng và bạc đãi. Ông cũng là một kẻ tật
nguyền.
Ý chí bất hoại
Triết lý khắc kỷ đề cao quan điểm cho
rằng ý chí của con người phải được giữ trong tình trạng tự chủ và không
thể khuất phục-nó phải độc lập, không bao giờ là đối tượng bị người khác
kiểm soát. Không ai có quyền chi phối ý chí của kẻ khác, trừ phi người
ấy cho phép-đúng ra, không bao giờ nên cho phép ý chí của mình bị chi
phối, tốt hơn nên duy trì một tinh thần độc lập và không khoan nhượng.
Socrates đã cho chúng ta một tấm gương điển hình về chủ thuyết này; xét
đến lời khẳng định của nhà hiền triết ấy khi bình thảnh đón nhận cái
chết do kẻ thù mang đến với mục đích bẻ gẫy ý chí của ông. “Anytus và
Meletus có quyền xử tử tôi nhưng không thể phương hại được tôi”. Nói
cách khác, các chính trị gia độc tài ấy không thể khuất phục được ý chí
của hiền triết.
Bàn đến những thăng trầm trong đời,
Epictetus khuyên rằng: “Người ta nên chuẩn bị điều gì cho những tình
huống như thế? Cái gì là của tôi và cái gì không thuộc về tôi? Cái gì
được dành cho tôi và cái gì không dành cho tôi? Nếu phải chết, liệu rằng
tôi nên chết cùng với lời than phiền hay sao? Nếu tôi phải chịu cảnh
lưu đày, liệu rằng ai có thể cấm tôi ra đi với nụ cười, niềm hoan hỉ và
sự bằng lòng?”
“- Nhưng ta sẽ xiềng xích người! - Này,
anh bạn đang nói điều gì thế? Xiềng xích tôi ư? Bạn có thể cùm chân tôi
nhưng không thể trói buộc được ý chí tôi, ngay cả Thượng đế cũng không
thể làm được điều đó. - Ta sẽ ném ngươi vào ngục! - À, anh bạn vẫn muốn
nói đến thân xác khốn khổ của tôi đấy ư? - Ta sẽ chặt đầu ngươi!- Và
trước đó, tôi sẽ nói với anh bạn rằng tôi có một vật không thể nào bị
chặt đứt được."
Điều bí nhiệm về cái chết là “giống như
một người buông bỏ cái thuộc về kẻ khác.” Khi đứng trước cái chết, người
ta không nên cho rằng mình sắp mất đi mạng sống, mà đúng hơn là “mình
sắp trả lại mạng sống.” Con người phải trả lại cho Thượng đế cái mà Ngài
đã ban phát cho họ.
Những vấn đề của cuộc sống
Theo Epictetus, nên thành tâm đón nhận
mọi khó khăn trắc trở trong cuộc sống. Chúng ta không bao giờ nên trốn
tránh chúng, bởi đó là những bài tập rèn luyện tinh thần đáng được mong
đợi. Hãy xem chúng là sàn tập để bạn có dịp đánh vật cùng Thượng đế, rồi
khi thử thách đã qua, bạn trở thành một người vững vàng và tốt đẹp hơn.
Giống như thân thể cần đến những bài tập vận động để giữ được sức khỏe
và sự cường tráng, tinh thần cũng cần đến những bài tập rèn luyện nghị
lưc. Vì thế, những khó khăn trắc trở trong đời phải được thành tâm đối
mặt và đón nhận.
Quan niệm khắc kỷ về tình dục
Theo Epictetus, mọi hình thức hạm muốn
nhục dục là không đáng mơ tưởng, bởi lẽ chúng chỉ khiến chúng ta trở
thành những kẻ nô lệ cho dục vọng của chính mình. Tiết dục là điều đáng
được lựa chọn hơn là phóng dục. Tình dục là yếu tố có tác động mạnh mẽ
nhất, khuấy động sự bình yên của tâm hồn. Tốt nhất chúng ta nên tránh
mọi hình thức quan tâm đến tính dục. Xét cho cùng, thiết tưởng không ai
nằm trong vòng tay tình nhân lại có thể giữ được tâm hồn bình lặng và
tỉnh táo.
“Hôm nay tôi gặp được một người đẹp,”
Epictetus dẫn giải, “tôi đã không tự nhủ rằng ước gì mình có thể gần gũi
với cô ta, rằng được làm chồng của cô ta là một điều hạnh phúc-nên biết
rằng điều đó sẽ dẫn thẳng đến ý tưởng “được ngoại tình với cô ta là một
điều hạnh phúc!” Tôi cũng không mường tượng đến hình ảnh cô ta tìm đến
bên tôi, cởi bỏ xiêm y và nằm xuống bên cạnh tôi... Tôi chỉ lắc đầu và
tự nhủ: “Tốt lắm, Epictetus! Ngươi vẫn giữ được tỉnh táo.” Thậm chí, nếu
như người phụ nữ ấy tỏ ý thích tôi, ra dấu mời gọi, đến bên tôi và thỏ
thẻ những lời âu yếm bên tai tôi, tôi cũng sẽ bình thản và tự vui với
niềm kiêu hãnh của mình. Vượt qua chính mình là dạng chiến thắng mà bất
cứ người đàn ông nào cũng có quyền tự hào...”.
S.T
Giống như triết lý khoái lạc, Chủ nghĩa
vị lợi (Utilitarianism) xác định lẽ Chân-Thiện-Mỹ dưới hình thức lạc
thú, nhưng mang nặng tính nguyên tắc hơn. Về cơ bản, nó nhắm đến mục
đích mang lại “những điều tốt đẹp nhất cho tuyệt đại đa số.” Trong tác
phẩm “Giới thiệu các nguyên tắc luân lý và pháp chế” (An Introduction to
the Principles of Morals and Legislation), Bentham giải thích lý tưởng
ấy như sau: "Thực chất, nguyên tắc vị lợi được sử dụng để chuẩn y hoặc
phủ nhận mọi loại hành vi, xét đến ảnh hưởng của chúng đối với lợi ích
chung của cả cộng đồng- nói cách khác, xét đến khuynh hướng phát huy hay
đối kháng với hạnh phúc và lợi ích của một cộng đồng.” Ông xác định
"lợi ích" là những gì mang đến hoan lạc, hạnh phúc, tiện nghi, tiến bộ
hoặc bất cứ hình thức nào ngăn ngừa được khổ đau, tội ác và bất hạnh.
Chủ nghĩa khoái lạc định lượng
Bentham là một người cổ xuý cho chủ
nghĩa khoái lạc định lượng (Quantitative Hedonism). Ông tin rằng chỉ có
một dạng hoan lạc, trong đó các khoái cảm khác nhau về số lượng, chẳng
hạn như số lượng, thời lượng và cường độ, v.v... Các khoái cảm không
khác nhau về chất. Thực tế, về cơ bản, không có sự phân biệt rõ ràng
giữa thú vui vật chất và thú vui tinh thần. Mọi lạc thú đều phục vụ cho
thể xác và cảm giác.
Lẽ chí thiện tận mỹ trong đời
Vốn là một triết gia duy vật, Bentham
phủ nhận các thú vui tâm linh, xem chúng như là những lạc thú giả tạo.
Ông khẳng định rằng thú vui thể xác là điều tốt đẹp nhất có thể đạt được
trong cuộc sống, rằng vì lý do đó, một cá nhân bị tước đoạt mọi thú vui
thể xác sẽ thấy đời không đáng sống. Mục tiêu chủ yếu, hay có lẽ là duy
nhất, mà con người cần hướng đến là mưu cầu lạc thú.
Phân lượng hoan lạc
E rằng mọi người không biết cách chọn
lựa những lạc thú có giá trị nhất trong phạm vi có thể, Bentham đã sáng
tạo ra một công cụ đo lường khoái lạc. Nó được gọi là "Phân lượng hoan
lạc" (Hedonist Caculus), bao gồm 7 tiêu chuẩn có mục đích giản tiện hoá
công việc lựa chọn những lạc thú khả dĩ. Khi một cá nhân đứng trước tình
huống phải chọn một trong hai thú vui nào đó, anh ta có thể sử dụng 7
tiêu chuẩn dưới đây như nền tảng cơ sở để đi đến quyết định.
1. Cường độ: Mức độ tác động của lạc thú.
2. Thời lượng: Thời gian diễn ra lạc thú.
3. Xác định hay bất định: Mức độ đảm bảo
rằng một kinh nghiệm đặc biệt nào đó sẽ mang đến khoái cảm trong quá
trình tham gia lạc thú.
4. Sự gần gũi hay xa cách: Mức độ gần gũi, chặt chẽ của lạc thú xét về mặt không gian và thời gian.
5. Sự phong phú : Khả năng tiếp cận với các thú vui phụ khác.
6. Độ thuần thục: Mức độ loại trừ các yéu tố gây khó chịu và đau đớn.
7. Phạm vi : Khả năng chia sẻ niềm hoan lạc với người khác.
Bốn hình thức trừng phạt
Để đảm bảo rằng mọi người không vượt quá
giới hạn quyền lợi cá nhân trong quá trình mưu cầu lạc thú riêng,
Bentham đã đề xuất 4 hình thức trừng phạt (hay ngăn ngừa) đối với các
hành vi trái đạo đức. Chúng có thể được minh hoạ với các thí dụ sau đây:
1. Hình phạt thể xác: Nếu một cá nhân ăn uống qúa độ, anh ta sẽ chán ứ, bội thực hoặc đổ bệnh.
2. Hình phạt pháp lý: Nếu một cá nhân tìm kiếm thú vui bất hợp pháp, anh ta có thể bị phạt tù hay nhận lãnh các án phạt khác.
3. Hình phạt công đạo: Nếu một cá nhận
tìm đến những thú vui bất công, anh ta có thể bị khai trừ khỏi xã hội
cộng đồng hoặc bị công luận chỉ trích.
4. Hình phạt tôn giáo: Nếu một cá nhân
buông thả mình trong những lạc thú cấm kỵ và vô luân, Thượng đế sẽ trừng
phạt anh ta (ngay trong kiếp này hay ở kiếp khác.)
S.T
Mục đích ban đầu của John Stuart Mill là bảo vệ và gạn lọc thuyết vị lợi của Jeremy Bentham, nhưng cuối cùng ông nhận thức ra rằng quan điểm của mình đối lập với học thuyết ấy.
Mill đã phát triển một thái độ phê phán
tiền đề cơ bản của Bentham rằng lạc thú thể xác (hay khoái cảm) là lẽ
Chân-Thiện-Mỹ trong đời. Nếu ý tưởng ấy của Bentham là đúng, Mill nhận
định, liệu chúng ta có nên đặt vấn đề rằng tạo vật đang chìm đắm trong
dục lạc là một con người hay một con lợn? Thực ra, nếu khoái cảm là điều
chí thiện tận mỹ trong cuộc sống, vì sao một con người đang chịu khổ
đau và thất vọng lại có thể được xem là "thượng đẳng" hơn một con lợn
đang thoả mãn trong dục lạc nhầy nhụa?
Mill đi đến kết rằng hoan lạc phải có
tính phân biệt về chất; vì thế, chỉ một lượng nhỏ lạc thú của con người
cũng có giá trị hơn một lượng lớn lạc thú của một con lợn. Triết lý của
Mill, tương phản với thuyết “hoan lạc định tính." (Qualitative Hedonism)
Tiêu chuẩn luân lý
Như đã trình bày ở phần trước, Bentham
đề xuất 7 tiêu chuẩn phân lượng hoan lạc để làm cơ sở xác định thú vui
đúng đắn. Về phần mình, Mill đã chọn một chuẩn mực khác, tạm gọi là "ý
kiến của chuyên gia hoan lạc." Điều này có nghĩa là, nếu cần chọn lựa
một trong hai lạc thú khả dĩ, quyết định đúng đắn sẽ thuộc về người đã
từng có kinh nghiệm về cả hai lạc thú ấy. Trong tình huống hai người bất
đồng với nhau trong quá trình đi đến một quyết định chọn lựa lạc thú,
lời phán xét cuối cùng phải thuộc về người khôn ngoan và từng trải hơn,
bởi vì anh ta có khả năng đưa ra một quyết định chính xác và đúng đắn
hơn. Mill đã trình bày quan điểm của mình như sau:
"Nếu được hỏi về ý nghĩa của sự khác
biệt về chất giữa các niềm hoan lạc, rằng cái gì đã khiến mọi thú vui
này có giá trị hơn một một vui khác, xét về mặt tính chất chứ không bàn
đến phạm vi phân lượng của chúng, tôi cho rằng chỉ có một câu trả lời
khả dĩ chấp nhận được.
"Xét đến sự chọn lựa giữa hai thú vui.
Nếu hầu hết những ai đã từng hưởng thụ cả hai thú vui ấy quyết định chọn
một không kể đến mọi định kiến đạo đức, thú vui ấy phải là lạc thú đáng
được chọn hơn. Nếu mộpt trong hai thú vui ấy được họ đánh giá cao hơn
cái còn lại - mặc dù biết rằng nó bao hàm nhiều điều bất toại hơn, nhưng
họ vẫn không sẵn sàng đánh đổi nó với bất kỳ một lượng nào của thú vui
còn lại - chúng ta có thể an tâm mà kết luận rằng thú vui được chọn là
“có giá trị vượt ra khỏi khuôn khổ phân lượng” và “có chất lượng ưu việt
hơn" so với thú vui còn lại”.
“Qua đó, chúng ta sẽ nhận ra một sự kiện
không thể chất vấn rằng họ- những người từng trải qua, hưởng thụ và có
khả năng đánh giá cả hai thú vui ấy một cách công bằng, đã đưa ra một
quyết định chọn lựa đáng trân trọng về thái độ đón nhận những gì tác
động “nhân tính”, phần phẩm chất cao nhã bên trong tâm hồn mình. Rất ít
người can tâm hạ thấp phẩm giá của mình xuống hàng thú vật chỉ để được
thoả mãn những khoái lạc hạ đẳng. Không có người thông minh nào chịu can
tâm làm người ngu dại, chẳng có kẻ học thức nào hài lòng với sự dốt
nát, không một người có lương tri nào chấp nhận được sự ích kỷ và đê
tiện. Họ không bao giờ cam tâm hạ thấp phẩm giá của mình, cho dù được
thuyết phục rằng những kẻ ngu dại, dốt nát hay ti tiện có cuộc sống đầy
đủ và thoả mãn hơn cuộc sống của họ. Để hạnh phúc, người cao nhã đòi hỏi
những nhu cầu cao hơn, họ cũng phải có khả năng chịu đựng cao hơn. Tuy
nhiên, bất chấp những đòi hỏi ấy, hẳn là anh ta chẳng bao giờ ao ước
muốn chìm đắm trong một đời sống mà anh ta cho rằng nhơ nhuốc và hạ
cấp... Thà là một con người không thoả nguyện còn hơn là một con lợn
khoái lạc; thà là một Socrates thất cơ lỡ vận hơn là một kẻ tiểu nhân
đắc chí. Và nếu như kẻ tiểu nhân ấy, hay con lợn ấy, bất đồng với ý kiến
nói trên, đó bởi vì họ chỉ biết đến mặt phải của vấn đề hoan lạc. Những
người biết cả hai mặt của vấn đề ấy mới có được một cái nhìn so sánh
chính xác....”.
Mọi người đều bình đẳng
Mill đưa vào học thuyết của mình quan
điểm dân chủ của Bentham, rằng hạnh phúc và những điều tốt đẹp của mỗi
cá nhân đều có giá trị như nhau, rằng mỗi người đều bình đẳng và phải
được đối xử công bằng. Hạnh phúc của kẻ bần cùng cũng quan trọng như
hạnh phúc của một ông hoàng. Mọi người trên thế giới đều bình đẳng.
S.T
Immanuel Kant (1724-1804) xây
dựng một học thuyết đạo đức dựa trên nền tảng "thiện chí", ý chí nguyện
tôn trọng các nguyên tắc luận lý.
Vì thế, học thuyết ấy còn được gọi bằng
thuật ngữ "Đạo nghĩa học" (Deontological) - đạo lý về bổn phận. "Bổn
phận là nghĩa vụ hành động xuất phát từ sự tôn trọng các quy tắc (đạo
đức)". Toàn bộ vấn đề đạo đức đều bao hàm trong lãnh vực "thiện ý có lý
tính" (rational good will). Trong tác phẩm "Siêu hình tính của luân lý",
Kant nhận định: "Không có gì ở toàn bộ thế giới này, hay ngay cả bên
ngoài thế giới này, có thể được xem là tốt đẹp hoàn toàn, ngoại trừ
thiện ý". Nơi nào không có ý nguyện tốt lành, không có sự tự quyết, tất
không có sự tồn tại của môi trường đạo đức.
Đạo đức học theo thuyết trực giác
Thuyết trực giác (Intuitionism) là luận
thuyết cho rằng đạo lý hoàn toàn tồn tại bên trong ý thức cá nhân, rằng
cá giá trị đạo đức nẩy sinh từ ý nguyện và mục đích của mỗi hành vi
(không nên căn cứ theo hình thái biểu hiện bên ngoài, vốn là hệ quả của
một hành vi). Kant cho rằng điều tốt đẹp tồn tại ngay trong ý nguyện,
bất kể kết quả của các hành vi biểu lộ ra bên ngoài. Thực tế, mọi hành
động đều trung tính về mặt đạo đức (morally neutral). Ý nguyện, bản ngã
đạo đức của con người, thể hiện sự lựa chọn của học trước những yêu cầu
thuộc về các quy tắc luân lý. Lẽ phải có bản chất là đúng và phải được
phát triển thành ý nguyện, không cần xét đến hệ quả - "Hãy để cho lẽ
phải được thực hiện, cho dù thiên đường có sụp đổ”. Khi các quy tắc đạo
đức yêu cầu chúng ta phải có ý nguyện thực hiện những đòi hỏi ấy, bất kể
mọi hệ quả về sau.
Mệnh lệnh vô điều kiện
Tiêu chuẩn đạo đức của Kant (công cụ
kiểm chứng tính đạo đức của một hành vi) là "Mệnh lệnh vô điều kiện"
(Cantegorical Imperative). "Hãy hành động như thể nguyên tắc hành động
của bạn, thông qua ý nguyện, chính là quy luật tự nhiên của toàn thể vũ
trụ". Để xác định một hành vi "ý nguyện" là đạo đức, người ta phải dựa
theo tiêu chuẩn này. Vì thế, khi dự định bỏ qua một lời hứa, người ta
cần phải tự vấn chính mình rằng : “Liệu tôi có thực sự ước muốn rằng mọi
người đều thất hứa mỗi khi được lựa chọn?” Nếu câu trả lời có tính phủ
định, hành vi dự kiến là trái đạo đức."
Mệnh lệnh vô điều kiện là một yêu cầu
đạo đức tối thượng, luôn đúng trong mọi trường hợp, mọi tình huống, mọi
nơi mọi lúc. Mệnh lệnh (The Imperative) xuất phát từ lương tâm, là yêu
cầu vô điều kiện (Categorical), không có bất kỳ giới hạn hay khuôn khổ
nào cả. Nếu thất hứa là hành động đúng trong một trường hợp nào đó, đúng
với một cá nhân nào đó, nó phải đúng trong mọi trường hợp, đúng với tất
cả mọi người. Điều gì sai trái đối với một người tất phải sai trái đối
với tất cả mọi người. Qua đó, chúng ta tìm thấy nơi mệnh lệnh vô điều
kiện một quan niệm triết lý thuộc về quy tắc vàng (the Golden Rule)
trong nghệ thuật ứng xử: "Hãy dành cho người khác những gì bạn mong muốn
họ dành cho bạn."
Kant lý giải và chứng minh quan điểm của
mình như sau: “.... Liệu rằng tôi có thể, thí dụ, dưới áp lực của tình
thế, đưa ra một lời hứa mà không hề có ý định thực hiện? Không nhằm để
xác định tính không ngoan của hành vi hứa hão, câu hỏi ấy được đưa ra
nhằm tìm hiểu đúng đắn về mặt đạo đức củ hành vi ấy. Để có thể trả lời
câu hỏi ấy một cách ngắn gọn và rốt ráo, cách tốt nhất là tự vấn bản
thận: “Liệu rằng có thể thoả mãn hay không, khi hành vi hứa hão với mục
đích thoát ra khỏi tình thế bối rối trở thành quy luật ứng xử chung của
toàn bộ của toàn bộ cộng đồng, áp dụng cho tất cả mọi người kể cả chính
mình?”
“Ngay lập tức, tôi nhận ra rằng trong
khi tôi muốn có quyền được nói dối, tôi cũng không muốn dối trá trở
thành một quy luật ứng xử chung. Nếu dối trá trở thành quy luật phổ
biến, nói cho cùng, trên đời sẽ không tồn tại cái được gọi là “lời hứa”
nữa. Tôi có thể phỉnh phờ về cái điều tôi dự định làm trong tương lai,
nhưng không ai tin tưởng ở tôi cả. Hoặc giả, nếu như có một người nào đó
tin ở tôi; ngay tại thời điểm ấy, anh ta cũng có thể đang phỉnh phờ lại
tôi. Chính vì thế, cung cách ứng xử sai trái ấy được xem là tự vọng,
ngay khi nó được chấp nhận như một quy luật phổ biến.”
Sự độc lập của ý nguyện
Theo Kant, luân lý chỉ khả thi với sự
tồn tại của “thiện chí có lý tính” của con người, một sự tự do lựa chọn
không khuất phục bởi điều gì ngoài chính nó. Ý nguyện độc lập chỉ tuân
theo mệnh lệnh của chính nó. Không ai có thể ước muốn cái điều anh ta
không chọn lựa. Mặc dù người ta có thể ép buộc trẻ con thực hiện một
hành vi nào đó, họ không thể nào cưỡng bách đứa trẻ “ước muốn” thực hiện
hành vi ấy - đó là ý nguyện, là quyền tự quyết tối thượng của một con
người. Cách duy nhất để khiến người khác chia sẻ ý nguyện với mình là
thuyết phục họ; nếu thuyết phục thất bại, không còn phương cách khả dĩ
nào khác nữa.
Phẩm giá của con người
Mọi vật, ngoại trừ con người, theo Kant,
đều có giá trị trao đổi, lại giá trị xác định tính chất thương mại của
chúng; ngay cả đồ vật mantg dấu ấn kỷ niệm và tình cảm cũng có thể được
mua bán với một cái giá nào đó. Tuy nhiên, nhân phẩm của con người, “giá
trị chân thực và vô hạn” (infinite intrinsic value) của mỗi cá nhân, là
hoàn toàn vô giá. Với lý lẽ cho rằng “mỗi người đều có cái giá của họ”,
Kant sẽ đáp lại rằng bất cứ ai tự bám mình sẽ bị tước mất quyền làm
người chính đáng của họ, bởi lẽ nhân phẩm vượt trên mọi giá trị và mọi
hạn định.
Cá nhân - Mục đích tối hậu
Theo quan điểm của Kant, bởi vì chỉ con
người mới có ý nguyện độc lập (chỉ có họ thực thi các quy tắc luân lý và
thể hiện các giá trị đạo đức), bởi vì bản thân họ chính là mục đích tối
hậu. Điều này có ý nghĩa là con người phải được đối xử như mục đích,
chứ không bao giờ chỉ là phương tiện trong cuộc đời.
Thực tế, mọi cá nhân đều có thể được
dùng vào mục đích nào đó, vì thế họ có một giá trị tiện ích. Tuy nhiên,
bởi lẽ họ cũng là những tạo vật có giá trị chân thực và vô hạn; vì thế
nếu đến thời điểm họ không còn giá trị tiện ích nữa, họ vẫn phải được
tôn trọng và giúp đỡ. Xét cho cùng, với nhân phẩm vượt trên mọi giá trị
và hạn định, con người chính là mục đích tối thượng của cuộc đợi.
Tính ký sinh của sai trái
Kant chỉ ra rằng Cái Xấu hiện hữu như
một thứ ký sinh; rằng nó như một dạng nấm mốc không có khả năng tự phát
triển mà chỉ sống bám víu trên cánh đồng thiện tâm. Kẻ dối trá chí có
thể dở trò lừa lọc khi hầu hết mọi ngươì, trong những tình huống thông
thường, luôn đối xử trung thực. Nếu đa số đều trở thành những kẻ điêu
ngoa, chẳng còn ai tin vào người khác nữa. Vì thế, ngay cả khi có được
chiến thắng tạm thời, Cái Xấu cũng phải nương dựa vào Cái Tốt. Nếu Cái
Thiện bị tiêu diệt, Cái ác cũng tự vong.
Thí dụ: Những thành viên trong một băng
cướp cũng phải cần đến "chữ Tín" (một đức tính tốt) để có thể cộng tác
với nhau trong các hoạt động phi pháp (hành vi sai trái). Tuy nhiên, máu
hám lợi và đồng tiền bất chính sẽ che lấp lòng trung tính, dẫn đến sự
phân hoá và cuối cùng là những cuộc xô xát nội bộ như một kết cục không
thể tránh khỏi.
Thế giới bản thiện
Kant cho rằng thế giới vốn được hình
thành trên cơ sở các quy luật đạo đức. Vì thế, nếu theo đuổi một cuộc
sống trái đạo đức, cá nhân sẽ phát hiện ra rằng cuối cùng các quy luật
ấy cuốn phăng mọi nỗ lực đi ngược lại với dòng chảy của cuộc đời. Một xã
hội, tổ chức hay doanh nghiệp nào đó được vận hành trên nền tảng phi
đạo đức chẳng bao giờ có được sự thành công lâu bền. Một thương gia chỉ
quan tâm đến mục đích tạo ra lợi nhuận, bất chấp mọi phương tiện và thủ
đoạn, sẽ nhận ra rằng lừa đảo và gian trá chỉ mang đến sự bất tính nhiệm
và tai hoạ về mặt luật pháp. Giới doanh nhân và các nhà đầu từ thời
hiện đại đánh giá tiếng tăm và uy tín như một thứ tài sản thiết yếu; họ
luôn đón chào và mong đợi khách hàng tìm đến với sản phẩm của mình trên
tinh thần thiện ý.
S.T
Triết gia Đức Arthur Schopenhaue
(1788-1860) tin rằng Cái Xấu có ưu thế hơn, rằng thế giới, về cơ bản,
gắn liền với Cái Xấu. Hạnh phúc chỉ lướt qua, điểm xuyến những khoảng
khắc êm đẹp ngắn ngủi trong cuộc sống đầy đau khổ và bất hạnh.
Như trong những truyện kể dân gian, sau
biết bao thăng trầm tiếp nối, câu chuyện thường kết thúc khi anh hùng và
mỹ nhân bước vào đời sống lứa đôi hạnh phúc. Nếu như câu chuyện tiếp
tục, những nỗi bất hạnh tất yếu trong đời cuối cùng sẽ chứng minh cho
quan điểm của Schopenhauer, rằng "cuộc sống là một thứ sai lầm", rằng
"sinh ra ở đời đã là một cái tội".
Chủ nghĩa bi quan
Triết lý yếm thế (Pessimism) của
Schopenhauer dựa trên nhận định cho rằng thế giới là một động lực mù
quáng, phi lý và lạc lối, bởi vì không có Thượng đế nào dẫn đường cho
nó. Thực tại là động lực mù quáng, là ý chí mạnh mẽ được thể hiện dưới
các hình thức bản năng, động cơ và dục vọng vô độ, không bao giờ thoả
mãn. Thoả mãn một khát khao chỉ khiến con người tìm đến những khát khao
mới đòi hỏi phải được thoả mãn. Dục vọng thì khôn cùng mà cơ hội thoả
mãn thì có hạn. Trong cuộc sống thực tế, hầu hết mọi người đều nếm trải
thất vọng và, trong những giây phút thành công hiếm hoi, sự buồn chấn
đến tận cùng.
Theo cách nói của Schopenhauer: "Mọi ý
nguyện đều xuất phát từ ý muốn, ý muốn nẩy sinh từ sự thiếu thốn và đó
cũng là nguồn gốc đau khổ. Sự thoả mãn một ý nguyện chấm dứt ý nguyện ấy
nhưng vẫn còn những ý nguyện khác cần được giải quyết. Hơn nữa, dục
vọng vốn khôn cùng, nhu cầu lại vô hạn, trong khi sự thoả nguyện thì
ngắn ngủi và hiếm hoi. Thậm chí, chính ước vọng thoả nguyện cuối cùng
cũng chỉ là ảo tưởng. Mỗi ý nguyện được thoả mãn lập tức mở đường cho
một ý nguyện mới - cả hai đều là ảo vọng... Không có sự thành tựu nỗi
khao khát nào có thể mang đến sự thoả nguyện viên mãn. Tất cả chỉ là sự
hài lòng nhất thời, cạn cợt và tạm bợ - giống như của bố thí cho kẻ hành
khất vậy, nó có thể giúp hắn sống qua hôm nay và kéo dài cảnh cơ cực
của hắn cho đến ngày mai...".
Con đường cứu rỗi
Tuyệt dục, theo Schopenhauer, là cách
duy nhất thoát ly khỏi sự thống khổ của thế giới này. Từ bỏ khát vọng
sống, những không chối bỏ cuộc sống. Tiêu diệt ý chí, dục vọng và bản
năng; tự hài lòng với tình trạng không tồn tại (nothingness), với cõi Vô
Dục Niết Bàn (Nirvana-absence of deisre). Ai đó có thể nghĩ rằng trạng
thái suy tư theo triết lý của Platon (độc lập với không gian và thời
gian, thoát khỏi sự ràng buộc của ý chí và bản năng) cũng mang đến an
lạc; tuy nhiên, xét đến cùng, đó chưa phải là con đường giải thoát rốt
ráo.
Đạo lý của lòng cảm thống
Schopenhauer ghi nhận sự cần thiết của
Từ Tâm. Xét rằng cuộc sống của mỗi người đều thống khổ, rằng mỗi cá nhân
đều có nỗi bất hạnh riêng, chúng ta không nên lên án những kẻ phạm phải
hành vi sai trái mà nên thương hại họ. Tất cả chúng ta đều "ở trên cùng
một con thuyền không hề mong đợi", đều bất lực trước tính thế khốn khổ
của mình. Vì thế, trách cứ và hành hạ lẫn nhau từ tâm và thiện chí giúp
đỡ. "Chỉ có từ tâm mới chính là nền tảng thực sự của mọi hình thức công
lý tự nguyện (voluntary justice) và bác ái; Chỉ có hành động xuất phát
từ nền tảng ấy mới có giá trị đạo đức, mọi hành vi luân lý xuất phát. Sự
thật các động cơ khác đều không có giá trị. Khi tôi cảm thấy xót thương
chó sự thống khô của người nào đó, nỗi đau của anh ta len thẳng vào
lòng tôi, không hẳn là cùng một mức độ nhưng tôi cảm nhận đúng nỗi đau
ấy nơi bản thân - nếu không, đó chỉ là một hình thức cảm nhận vị kỷ. Với
lòng xót thương, sự khác biệt giữa bản thân tôi và anh ta không còn là
hố ngăn cách không thể vượt qua được".
S.T
Friendrich Nietzche (1844-1900)
tin rằng đạo đức phổ biến đương thời là thể nghịch đảo của đạo đức chân
thực, rằng những gì thực sự là đạo đức phải phù hợp và không bao giờ mâu
thuẫn với bản chất của con người.
Ông có quan điểm tương đồng với
Schopenhauer về bản chất của con người bao gồm cả bản năng sống, rằng
"sống là thực hiện toàn mãn những bản năng của con người", không phải là
áp chế chúng như các nền văn hóa phổ biến trong thời hiện đại thường
đòi hỏi. Những Nietzche bất đồng sâu sắc với triết lý bi quan của
Schopenhauer. Ông xác quyết rằng vẫn còn khả năng hoàn thiện nếu chúng
ta dành trọng ý nghĩa cuộc sống cho các bản năng, thay vì đè nên chúng.
Đạo đức nô lệ đối kháng đạo đức chủ nhân
Nietzche chỉ ra rằng có hai hệ thống đạo
đức tồn tại suốt dòng lịch sử nhân loại - đạo đức của giới nô lệ và đạo
đức của giới chủ nhân - mỗi hệ thống có quy tắc luân lý riêng của nó.
Đạo đức nô lệ của kẻ yếu đòi hỏi họ chấp
nhận phục tùng chủ nhân. Đạo đức của giới chủ bao gồm đạo lý của tầng
lớp quý tộc (giới cầm quyền và qúy tộc), những người tạo thành "chủng
tộc Aryan ưu thắng", cống hiến vào sự nghiệp chiến tranh, thám hiểm và
chinh phục. Đối với họ, hoà bình chỉ đến sau khi chiến thắng được đối
thủ của họ, buộc đối thủ phải thừa nhận quy luật "kẻ mạnh có quyền thống
trị kẻ yếu"
Nguyên tắc "sức mạnh làm nên lẽ phải",
theo Nietzche, là quy luật của tự nhiên- tương phản với khuynh hướng đạo
lý của nền văn minh Cơ Đốc và Do Thái, vốn cổ xuý cho Tính Khiêm Cung
và Từ Tâm. Nền văn hóa theo truyền thống Cơ Đốc và Do Thái (Judeo -
Christian culture), Nietzche nhấn mạnh, chỉ thích hợp cho giới nô lệ.
Người Do Thái vốn bị lệ thuộc trong gần trọn lịch sử của dân tộc họ; vì
thế họ phát triển nên một hệ thống luân lý phù hợp với phần yếu đuối của
nòi giống người. Đạo lý của họ là kiềm chế tình cảm, một sản phẩm của
sự phẫn nộ bị cầm tù, một sự thù địch dồn nén luôn ngấm ngầm tìm kiếm
những phương cách trả đũa kẻ thống trị và chủ nhân của họ. Theo
Nietzche, nô lệ là những người không hề dám bộc lộ sự phản kháng, chỉ
tìm kiếm những hình thức trả đũa lén lút.
Nietzche lên án giới chức sắc tôn giáo
Cơ Đốc và Do Thái sử dụng tôn giáo như một phương tiện để làm đảo lộn và
hạ thấp các giá trị đạo đức tự nhiên, biền nòi giống chủ nhân trở thành
nô lệ và nòi giống nô lệ trở thành chủ nhân. Theo ông, những người nô
lệ đã trở thành giáo sĩ đại diện cho Thượng đế toàn năng, đe doạ giới
chủ nhân bằng sự Trừng phạt Thánh thần để buộc họ phải chấp nhận vai trò
khiêm hạ, quỵ luỵ của những người phục vụ trung thành cho nòi giống nô
lệ. Chính vì thế, Nietzche kêu gọi xem xét lại mọi giá trị, bác bỏ các
giá trị đạo đức theo tinh thần Cơ Đốc và Do Thái. (Cần ghi nhận mối quan
hệ gần gũi giữa triết lý này với thuyết phân biệt chủng tộc của Adolp
Hitler, mặc dù ý tưởng về chế độ quý tộc của Nietzche được tìm thấy ở
rất nhiều quốc gia, không chỉ ở nước Đức ).
Siêu nhân
Siêu nhân, theo quan niệm của Nietzche,
là dạng "người khổng lồ" về mặt đạo đức (moral giant) được phú cho một
thể chất siêu việt. Siêu nhân là thành viên của nòi giống tương lai.
Chưa từng có ai đạt đến phẩm chất cao quý của nòi giống ấy, bởi những
con người hoàn hảo nhất của nhân loại đều hoá ra nhỏ bé và tật nguyền
khi đứng trước siêu nhân. Quan niệm của Nietzche đòi hỏi siêu nhân phải
là một tạo vật có quyền năng và sự uy nghiêm của Caesar(9), kết hợp với
đạo đức cao vời vợi của Chúa Jesus.
Nếu xem con người là động vật thượng
đẳng so với loài khỉ, siêu nhân là giống thượng đẳng so với loài người.
Là một tạo vật siêu việt về mặt đạo đức, siêu nhân chẳng bao giờ cần đến
lòng vị tha, bởi lẽ "anh ta" sẽ lập tức tha thứ hoặc quên đi ngay hành
động xúc phạm đến mình; thậm chí anh ta thực sự tha thứ trước khi bị xúc
phạm. Về mặt tinh thần, anh ta giống như Chúa Jesus trên thập tự giá,
cầu xin Thượng đế tha thứ cho kẻ thù của mình vậy. Nietzche khẳng định
rằng Đấng Jesus là mẫu mực lý tưởng cho người Cơ Đốc, rằng bởi vì họ
không noi theo tấm gương của Người,cho nên "chỉ có một tín đồ Cơ Đốc mà
thôi và người ấy đã chết trên thánh giá".
Zarathustra đã nói như thế
Mặc dù là người vô thần, Nietzche tỏ ra
rất sâu sắc khi phê phán những kẻ phụng thờ Thượng đế trên danh nghĩa,
huỷ báng Ngài trong cung cách hành xử. Ông đã mượn lời của Zarathustra,
một nhà tiên tri xứ Ba Tư, khi nhân vật hư cấu này chế giễu một vị thánh
già nua ẩn cư chốn sơn lâm, để nói lên một sự thật phũ phàng: "Có thể
như thế được chăng? Vị thánh già nua sống trong rừng thẳng ấy vẫn còn
chưa biết răng Thượng đế đã chết rồi hay sao?". Nói cách khác, nếu xét
đến hành trạng của các tính đồ Cơ Đốc và Do Thái, Thượng đế đã chết; nếu
không, những kẻ thời phụng Ngài nào dám hành xử sai trái một cách tàn
tệ đến thế!
Sự kiện Chúa chết đi vì tình yêu thương
con người, Nietzche nhận định, chứng tỏ rằng tình yêu mang đến khổ đau
và bất hạnh. Tình yêu khiến cho mỗi cá nhân dễ bị tổn thương trước những
ảnh hưởng xấu xa và môi trường thù địch. Thực tế, bất hạnh xảy ra đến
với người mình yêu có thể khiến chúng ta khổ não hơn so với khi tự mình
gánh chịu nỗi bất hạnh ấy. Vì thế, mỗi cá nhân cần tự mình cân nhắc và
nhận thức về những mối dây tình cảm ràng buộc trong đời; tuy nhiên, cũng
phải luôn nhớ rằng Chúa đã chết vì tình yêu thương con người, cũng bởi
vì thái độ bất trị của con người.
S.T
Josia Royce (1855-1916), triết
gia Hoa Kỳ, định nghĩa đạo lý trung thành (Philosophy of loyalty) của
mình là "sự tận hiến, về mặt ý chí cũng như trong hành động thực tế, của
cá nhân dành cho một sự nghiệp nào đó."(9)Trung thành là lẽ phải tối
thượng, bao hàm mọi đức hạnh trong đời.
Đành rằng đôi khi lòng trung thành có
thể dẫn đến xung đột nội tâm, những ngay cả trong tình huống ấy, quyết
định cần thiết vẫn là "trung thành với đức trung thành".
Trung thành - Lẽ phải tối thượng
Đức trung thành là lẽ chí thiện tận mỹ
trong đời (the summum bonum), bất kể nó được dành cho sự nghiệp hay lý
tưởng gì. Sự nghiệp có thể đúng đắn hoặc xấu xa, đức trung thành chẳng
bao giờ sai trái. Vì thế, huỷ hoại tinh thần cao đẹp của đức trung thành
là điều hoàn toàn lỗi lầm, cho dù bản thân người có lòng trung thành
đang phục vụ cho một lý tưởng sai lầm.
Nếu lòng trung thành được dành cho sự
nghiệp không chính đáng, người ta cần tìm cáh hướng nó vào mục đích xứng
đáng hơn. Nói cho cùng, tinh thần của đức trung thành là điều cao đẹp,
chọn đúng lý tưởng để theo đuổi lại là vấn đề thuộc về trí tuệ và nhận
thức.
Trung thành với đức trung thành
Khi lòng trung thành dẫn đến xung đột
nội tâm, cá nhân nhất thiết phải "trung thành với đức trung thành". Nói
cách khác, anh ta không nên huỷ hoại tinh thần cao đẹp của đức trung
thành, hãy tôn vinh giá trị của nó. Đối với người trung thành với một lý
tưởng xấu xa, chúng ta không bao giờ nên phỉ báng hay đả phá tinh thần
tận hiến của họ; tốt hơn nên tìm cách hướng dẫn, tạo điều kiện giúp họ
nhận thức ra vấn đề và phát huy đức trung thành trong sự nghiệp tốt đẹp
hơn. Mỗi cá nhân cần phải giữ gìn giá trị của lòng trung thành; hành vi
nào gây tổn hại đến giá trị này đều được xem là phản bội lại đức trung
thành cao cả.
S.T
George Edward Moore (1873-1958)
phát triển chủ nghĩa vị lợi lý tưởng (Ideal Utilitarianism) thành một
triết lý độc lập với thuyết trực giác (Intuitionism).
Thuyết trực giác khẳng định rằng mọi quy
tắc đạo đức đều tồn tại bên trong mỗi cá nhân, thuộc về lãnh vực ý chí,
chủ đích hay thiên bẩm. Ngược lại, chủ nghĩa vị lợi lý tưởng trình bày
quan điểm đạo đức dưới hình thức các kết quả và sự kiện rõ ràng của hành
động. Về phần mình, Moore xác định bản chất đúng sai của hành vi dựa
trên cơ sở hiệu quả do nó gây ra, bất kể ý định của người thực hiện. "Lẽ
đúng sai của một hành vi luôn tuỳ thuộc vào kết quả toàn cục của
nó."(10) Nếu hành vi ấy mang đến điều tốt đẹp cho cuộc sống trên thế
giới này, nó là một hành động đúng đắn; nếu không, nó là một hành động
sai trái.
Hành vi đúng đắn không chỉ là hành vi
xuất phát từ ý định tốt lành, hay thậm chí được dự kiến là đúng đắn nhất
trong điều kiện cho phép, nó phải là hành động mang đến ích lợi thực
tế. Lợi ích thực tế không phải là dạng kết quả tiên đoán dựa trên cơ sở
đánh giá theo lẽ đúng-sai; nó phải là kết quả có giá trị cụ thể. Khó
khăn chủ yếu là cá nhân khó lòng xác định được liệu rằng hành động của
mình thực sự sẽ mang đến kết quả khả dĩ tốt đẹp nhất hay không. Thực
chất, chỉ có trí tuệ toàn năng mới xác định được điều ấy-nói cách khác,
chỉ có hoạt động sáng tạo của Thượng đế mới có thể thoả mãn được yêu cầu
của đạo lý này.
Thuyết hiện thực đạo đức (the Ethical
Realism) của Moore nhấn mạnh rằng các thuộc tính luân lý tồn tại trong
chính kết quả thực tế của hành vi đạo đức, không phục thuộc vào nhận
định của con người dành cho giá trị của nó. Đạo lý nằm bên ngoài khả
năng ý thức của con người; một hành vi có thể là tốt hay xấu cho dù
người thực hiện có nhận thức được điều đó hay không. Quan điểm này tương
phản trực tiếp với chủ nghĩa trực giác vốn giới hạn đạo đức trong khuôn
khổ kinh nghiệm và nhận thức của cá nhân, không cần xét đến kết quả của
hành động.
Moore nhận định về một hành vi đạo đức
như một Gestalt, một tổng thể hữu cơ bất khả phân cắt và luôn có giá trị
lớn hơn tổng cộng các bộ phận cấu thành. Nước có tính ẩm ướt, những
hydrogen (H) và oxygen (O), hai nguyên tố cấu thành nên phân tử nước
(H2O), lại không có thuộc tính ấy - nước có những thuộc tính không thể
tìm thấy được ở các nguyên tố thành phần của nó. Tương tự như vậy, các
hành vi đúng đắn có những thuộc tính đạo đức mà chúng ta không thể phát
hiện ra được quá trình phân tích. Thực vậy, cứu 1 đứa trẻ khỏi chết đuối
là một nghĩa cử tốt đẹp, nhưng nếu phân tích mọi khía cạnh cấu thành
nên hành động ấy, ta chẳng thể xác định được bản chất đạo đức của chúng.
Có phải điều tốt lành nằm ở chỗ nhảy xuống nước? Hay ở nỗ lực nắm được
đứa trẻ? Hoặc giả, ở nỗ lực kéo đứa bé lên bờ? Không có yếu tố nào cấu
thành nên nghĩa cử ấy có thể được xem là hành động đạo đức; nhưng xét về
mặt tổng thể, hành vi ấy được nhìn nhận là đúng đắn và tôt đẹp. Điều
thiện vốn là thực hữu, nhưng chỉ tồn tại như một khối hữu cơ thống nhất;
giá trị đạo đức của nó là giá trị tổng thể, không thể tìm thấy qua quá
trình phân tích các yếu tố riếng lẻ cấu thành nên nó.
Tính thiện bất khả định
Moore khẳng định rằng không thể định
nghĩa được tính Thiện, bởi lẽ đó là khái niệm cơ bản nhất, tối hậu và
bất khả phân. Để định nghĩa một từ hay một khái niệm, chúng ta cần phải
phân tích các thành tố cơ bản của nó; nhưng làm sao có thể định nghĩa
được các từ ngữ khác? Tính thiện chính là khái niệm cơ bản tối hậu, vì
thế chúng ta không thể định nghĩa được nó.
Hoang tưởng theo chủ nghĩa tự nhiên
Theo Moore, ý niệm về Cái Thiện là một
kinh nghiệm nhận thức-vấn đề là bạn cảm nhận được nó hay là không. Với
một kẻ mù loà bẩm sinh, mọi định nghĩa và khái niệm về màu sắc điều vô
nghĩa. Tương tự như vây, mặc dù có thể xác định được những điều tốt đẹp,
chúng ta chẳng thể nào diễn đạt trọn vẹn ý niệm về Cái Thiện. Những ai
cho rằng mình đã thành công trong nỗ lực định nghĩa Cái Thiện, thông qua
cách lý giải khoa học về những điều tốt lành, đã vô tình rời vào tình
huống được Moore gọi là "hoang tưởng theo chủ nghĩa tự
nhiên"(Naturalistic fallacy). Chúng ta cũng sẽ rơi vào tình huống tương
tự khi cho rằng mình đã giúp cho một người mù loà cảm nhận được màu sắc
thông qua các lý giải khoa học về màu sắc.
S.T
0 nhận xét:
Đăng nhận xét