Thứ Năm, 7 tháng 11, 2013
Berry Desker (Eurasia Review, 15/02/2011) - Cuộc nổi dậy của thế hệ trẻ Ai Cập mang chiều kích toàn cầu
10:49
Hoàng Phong Nhã
No comments
Đan Thanh dịch
Chính biến vừa qua ở Ai Cập rất
giống một cuộc nổi dậy của giới trẻ. Bài viết sau đây trình bày vắn tắt
tình hình người trẻ tại một vùng rộng lớn từ Bắc Phi tới Trung Đông, và ở
chừng mực nào đó là cả châu Á. Những khó khăn mà người trẻ phải đối mặt
đều mang tính toàn cầu, tiềm ẩn khả năng gây ảnh hưởng sâu rộng.
Ngày 6/2/2011, Phó Tổng thống Ai
Cập Omar Suleiman đã gặp các nhóm đối lập, bao gồm những người ủng hộ
Mohamed ElBaradei, đảng Huynh đệ Hồi giáo và một số đảng cánh hữu khác.
Mục đích của ông là xúc tiến thỏa thuận để tạo ra một quá trình chuyển
giao quyền lực có trật tự tại thời điểm Tổng thống Mubarak rời nhiệm sở
vào cuối nhiệm kỳ của ông ta, tháng 9 tới. Các bên đã nhất trí thành lập
một ủy ban gồm các nhân vật chính trị và tư pháp hàng đầu để nghiên cứu
việc sửa đổi hiến pháp như đã được đề nghị, làm sao cho có thêm nhiều
ứng viên vào chức tổng thống, và đặt giới hạn cho nhiệm kỳ tổng thống.
Để đáp ứng yêu cầu của phe đối
lập, các bên thỏa thuận rằng sẽ phải tiến hành truy tố những kẻ dính líu
tới tham nhũng cũng như những người chịu trách nhiệm về việc rút lực
lượng cảnh sát khỏi đường phố Cairo cách đây một tuần mà hậu quả là để
xảy ra nạn cướp bóc và đốt phá nhà cửa. Nhà chức trách cũng sẽ tiến hành
điều tra các đơn thư khiếu nại của tù nhân chính trị.
Đòi hỏi của giới trẻ
Các thỏa thuận trên đây chưa đề
cập tới các đòi hỏi của lực lượng thanh niên – những người đã dựng trại
trên quảng trường Tahrir ở Cairo – mà cũng chẳng nhắc đến yêu cầu từ các
đồng chí của họ ở Alexandria và Port Suez. Tất cả họ đều coi mình là
tuyến đầu trong chính biến Ai Cập. Đòi hỏi căn bản của họ là Mubarak
phải từ nhiệm ngay lập tức. Nhưng điều này gây ra tâm lý lo sợ trong các
chính phủ Mỹ, châu Âu và châu Á, thậm chí cả Tổng Thư ký LHQ Ban Ki
Moon: người ta sợ rằng sự ra đi vội vã của Mubarak có thể đẩy tới một
khoảng trống quyền lực ở Ai Cập. Đối với những người phản đối Mubarak,
thì ngay cả tình trạng vô chính phủ cũng còn tốt hơn cái tương lai khốc
liệt mà họ tự thấy là đang chờ họ phía trước.
Dân số Ai Cập đã tăng từ 30
triệu năm 1966 lên mức 85 triệu ngày nay. Họ sinh sống chủ yếu dọc con
sông Nile, trên một diện tích 40.000 km2 đất thích hợp cho việc làm nhà ở
và nghề nông. Đất nông nghiệp ngày càng thiếu thốn, trong khi đó tốc độ
tăng trưởng kinh tế không đáp ứng được tỷ lệ tăng dân số. Thất nghiệp
gia tăng nhanh chóng trong giới trẻ; mỗi năm hơn 4% dân số gia nhập lực
lượng lao động. Tỷ lệ người thất nghiệp có bằng đại học cao gấp 10 lần
tỷ lệ thất nghiệp trong dân số nói chung. Giá lương thực thực phẩm, nhà ở
và xăng dầu leo thang, càng làm nóng thêm tình hình bất ổn gần đây.
Cái nguy là các giai tầng chính
trị Ai Cập sẽ xem việc tình hình phố xá Cairo trở lại bình thường, ngân
hàng, quán café và cửa hàng mở lại, xe buýt và tàu hỏa nối lại hoạt
động… như là sự khép lại của cuộc nổi dậy. Họ sẽ hân hoan chào đón việc
mở rộng tự do chính trị, chào đón những lời hứa hẹn xóa bỏ tình trạng
thiết quân luật. Những hạn chế về chính trị và thiết quân luật như thế
cho phép chính quyền kiểm duyệt, bắt giữ người mà không cần xét xử, một
cách không giới hạn, trong khi đó lại ngăn chặn biểu tình đường phố, hạn
chế hoạt động của những tổ chức chính trị chưa được cấp phép cũng như
hoạt động tài trợ chính trị mà không đăng ký.
Thỏa mãn “khối u uất của người trẻ”
Tuy nhiên, sự mở rộng không gian
chính trị không chắc sẽ thỏa mãn được lực lượng thanh niên phản đối
chính quyền – những người cảm thấy họ đã mạnh hơn nhờ Facebook, Twitter
và báo chí quốc tế. Đối với các nhà hoạt động này, chính trị là trò chơi
có tổng bằng 0 (bên này được, bên kia mất – ND) và họ sẽ không vừa lòng
với sự nhượng bộ đã đạt được từ phe kia. Họ sẽ thúc đẩy bằng được việc
Mubarak từ chức và một sự thay đổi căn bản chế độ. Nhưng chắc chắn họ sẽ
thất vọng. Nếu việc chuyển giao có trật tự diễn ra thì chúng ta có thể
chờ nghe họ tuyên bố, rằng cuộc cách mạng đã bị những công chức của chế
độ đánh cắp.
Phong trào nổi dậy của giới trẻ
Arab thu hút sự chú ý của dư luận tới ảnh hưởng của những “khối u uất
trong thanh niên” tương tự như ở Ai Cập – hậu quả của việc dân số tăng
quá nhanh trong vòng 20 năm qua – đặc biệt ở khu vực châu Phi hạ Sahara,
Bắc Phi, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như một vành đai trải dài từ vùng
lãnh thổ Palestine ở khu Bờ Tây và dải Gaza, Iraq, Ả-rập Xê-út và Yemen,
đến Afghanistan và Pakistan. Chính thể độc tài, cộng với sự thiếu thốn
cơ hội nghề nghiệp ở rất nhiều quốc gia và lãnh thổ trong khu vực vành
đai này, cùng tỷ lệ gia tăng dân số không ngừng, đã đổ thêm dầu vào ngọn
lửa hận thù và kích động phong trào nổi dậy của những người trẻ tuổi,
với nguy cơ rất đáng kể về bất ổn chính trị và bạo lực.
Trong vòng 20 năm tới, ngược
lại, các nước vùng Maghreb (tức Marốc, Algeria và Tunisia – ND), Iran và
Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chứng kiến dân số giảm. Họ sẽ được lợi từ việc những
người trẻ có giáo dục ngày càng gia tăng về số lượng tại những nền kinh
tế mở rộng của họ như Việt Nam, Malaysia, và Indonesia. Triển vọng trong
trung hạn đối với những quốc gia này, do đó, rất tích cực.
Tình hình châu Á
Trở lại các vùng khác ở châu Á,
mặc dù đến năm 2025, dân số Ấn Độ sẽ tăng tới 1,45 tỷ người, song Ấn Độ
sẽ được hưởng lợi từ tăng trưởng kinh tế. Tuy vậy, có sự khác biệt sâu
sắc giữa các khu vực – tức là giữa những trung tâm thương mại tăng
trưởng mạnh như Mumbai, Delhi và Kolkata; với những bang ở Nam Ấn ít màu
mỡ song có các trung tâm công nghệ thông tin và khu vực dịch vụ bùng nổ
mạnh; với vành đai cư dân nói tiếng Hindi ở phía bắc Ấn, đất đai màu mỡ
hơn, trình độ học vấn của dân chúng thấp hơn, tỷ lệ có việc làm ở phụ
nữ thấp hơn và tăng trưởng chậm chạp hơn trong khu vực dịch vụ. Những
bất mãn của giới trẻ với tình trạng chính trị dễ xảy ra ở vùng bắc Ấn Độ
hơn.
Ngược lại, ở Trung Quốc, chúng
ta sẽ thấy một thái độ bảo thủ hơn ở Ấn Độ: tăng trưởng kinh tế, kết hợp
với sự già đi nhanh chóng của dân số Trung Quốc, và sự kỳ vọng của giới
trẻ Trung Quốc vào một cuộc sống tốt đẹp hơn, sẽ mang lại tâm lý ưa
thích tình trạng chính trị như hiện nay. Giới trẻ sành mạng ở Trung Quốc
cũng đã nằm trong số những người có tư tưởng dân tộc chủ nghĩa mạnh
nhất và đã rất chủ động trong việc thúc đẩy chính phủ hành động mạnh mẽ
mỗi khi có biểu hiện bị các lực lượng bên ngoài như Mỹ, Nhật coi thường,
và hành động mạnh mẽ trên Biển Đông, ngay cả với ASEAN.
Cái khối hỗn độn và dễ vỡ ở
Trung Đông khiến khu vực này trở thành nơi có nguy cơ lớn nhất của bạo
loạn và xung đột chính trị. Cuộc nổi dậy của các thanh niên Ai Cập là
một tín hiệu cho thấy những khó khăn mà giới thống trị ở các quốc gia
trẻ này sẽ phải đối mặt, khi kỳ vọng của dân chúng tăng lên mà lãnh đạo
thì lại không đáp ứng được.
Barry Desker là Chủ nhiệm
khoa, Trường Quốc tế học S. Rajaratnam (RSIS), kiêm Giám đốc một đơn vị
của trường này – Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc phòng (IDSS), Đại học
Công nghệ Nanyang.
Đã đăng trên basam.info
0 nhận xét:
Đăng nhận xét